Bài 2: Chưa phối hợp tốt trong quản lý bảo vệ rừng đặc dụng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tàn phá rừng quý hiếm cứ dai dẳng, kéo dài qua năm này, sang năm khác. Trong báo cáo của lực lượng chức năng, các đơn vị, địa phương, các chủ rừng thì cho là do địa hình núi đá phức tạp, khó khăn, lực lượng kiểm lâm mỏng, lợi nhuận từ gỗ quý hiếm cao, lâm tặc bất chấp mọi thủ đoạn để phá rừng, nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng chưa cao ...
Những nguyên nhân đó đều đúng nhưng chưa phải là nguyên nhân cơ bản, xem ra các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa dám nhìn thẳng vào sự thật về tránh nhiệm của chính mình.
![]() |
Đồng chí Nông Đình Khuê - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể: Sự phối hợp giữa Vườn và UBND các xã vùng đệm lâu nay vẫn có, nhưng chưa hiệu quả và chưa kịp thời. Từ năm 2009 giữa Vườn và các xã vùng đệm đã ký kết Quy chế phối hợp, hàng năm đều có sơ kết, tổng kết... Tuy nhiên, qua bốn năm thực hiện quy chế thì công tác phối hợp mới chỉ dừng lại ở việc cùng nhau xử lý các vụ phá rừng đã xảy ra. Việc phối hợp để ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi phá rừng là chưa làm được.. |
Lâu nay, lực lượng Kiểm lâm vẫn xác định rõ những khu vực rừng đặc dụng còn nhiều loại gỗ quý hiếm là những điểm nóng về phá rừng. Do vậy, đều bố trí hàng trăm kiểm lâm viên để bảo vệ rừng. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của hàng chính quyền xã, sự tuần tra của cảnh sát môi trường, sự chốt chặn của những trạm kiểm lâm, những tổ liên ngành dọc các tuyến đường trọng yếu ra vào các khu rừng đặc dụng.
Tuy nhiên hiệu quả gần như không có, rừng đặc dụng vẫn cứ bị chặt hạ và gỗ quý hiếm vẫn vận chuyển chót lọt ra bên ngoài với khối lượng lớn.
Nhìn thẳng vào vấn đề này để mổ xẻ, quy trách nhiệm là việc làm cần thiết. Mới đây, tại xã Nam Cường (Chợ Đồn) đồng chí Nông Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì một cuộc họp về công tác quản lý bảo vệ rừng với sự tham gia của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và chỉ rõ:
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì sự phối hợp giữa các lực lượng, các chủ rừng trong việc bảo vệ rừng đặc dụng chưa tốt; kiểm lâm viên địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã chưa làm tốt trách nhiệm tham mưu cho chủ tịch UBND xã trong việc bảo vệ rừng quốc gia, rừng đặc dụng...Nhiều xã chưa quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng, một số chủ tịch UBND xã chưa nâng cao trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng, một bộ phận kiểm lâm viên còn yếu về chuyên môn nghiệp.v.v.
![]() |
Thớt nghiến được lực lượng kiểm lâm thu giữ ở Vườn Quốc gia Ba Bể. |
Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương thời gian qua chưa tốt, kém hiệu quả... là nguyên nhân cơ bản dẫn đến rừng gỗ quý hiểm bị tàn phá.
Theo đồng chí Nông Đình Khuê – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể khẳng định: Sự phối hợp giữa Vườn và UBND các xã vùng đệm lâu nay vẫn có, nhưng chưa hiệu quả và chưa kịp thời. Từ năm 2009 giữa Vườn và các xã vùng đệm đã ký kết Quy chế phối hợp, hàng năm đều có sơ kết, tổng kết... Tuy nhiên, qua bốn năm thực hiện quy chế thì công tác phối hợp mới chỉ dừng lại ở việc cùng nhau xử lý các vụ phá rừng đã xảy ra. Việc phối hợp để ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi phá rừng là chưa làm được.
Trong bốn năm qua, chưa có chủ tịch UBND xã nào, cán bộ lâm nghiệp xã nào thông tin phối hợp với lực lượng kiểm lâm để ngăn chặn kịp thời những hành vi khai thác trái phép gỗ nghiến trong khu vực Vườn, chỉ khi những cây nghiến bị chặt hạ xuống rồi mới có thông tin và phối hợp giải quyết vụ việc, như vậy mục tiêu phối hợp bảo rừng là chưa đạt.
Về phía Vườn thấy rằng, kiểm lâm địa bàn còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, công tác dân vận tạo niềm tin quần chúng nhân dân, giữ mối liên hệ với UBND các xã là chưa tốt, dẫn đến nguồn tin từ phía nhân dân còn ít, rừng vẫn bị tàn phá.
Thời gian qua, Vườn Quốc gia Ba Bể đã nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ nghiến trái pháp luật. Đã kỷ luật các đơn vị, cá nhân có những vi phạm trong thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, về phía các địa phương, chủ tịch UBND, cán bộ lâm nghiệp các xã vùng đệm của các khu rừng đặc dụng chưa làm hết trách nhiệm. Thể hiện, chủ tịch UBND các xã, cán bộ lâm nghiệp các xã đều nắm rõ đối tượng phá rừng và khẳng định chủ yếu là người dân ở địa phương mình, nhưng việc phối hợp với lực lượng kiểm lâm để bảo vệ rừng lại chưa hiệu quả.
Phải chăng lãnh đạo các xã còn có sự e ngại, nể nang, ngại va chạm, cán bộ lâm nghiệp chưa làm tròn chức năng tham mưu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Những hạn chế trong công tác phối hợp, nhất là giữa lực lượng kiểm lâm và UBND các xã cần phải sớm khắc phục, cần xây dựng một cơ chế thông tin và tránh nhiệm rõ ràng của mỗi bên trong công tác quản lý bảo vệ rừng./.
(Còn nữa)
Cao Xuân