Đối tác công tư PPP (Public - Private Partner) là việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án. Đây là khái niệm mới ở nước ta nhưng đã rất phổ biến trên thế giới. Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện mô hình này. Thực tế tại Bắc Kạn, sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hợp tác công tư cần phải được quan tâm.
Những mô hình hiệu quả
Tại Bắc Kạn, việc nhà nước cùng doanh nghiệp tư nhân, nông dân cùng cam kết thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp không phải là mới. Điển hình như trong trồng và tiêu thụ thuốc lá hay trồng và chế biến miến dong… Tuy nhiên, mức độ công tư trong đó chưa thật sự rõ ràng, các hình thức Nhà nước tham gia đa phần là mang tính hỗ trợ thông qua hoạt động khuyến công hoặc một số hình thức khác. Điều đó phần nào dẫn tới sự ỷ lại của nông dân và của cả chính doanh nghiệp được nhận hỗ trợ. Thời gian gần đây, Ban quản lý dự án 3PAD Bắc Kạn đã triển khai một số mô hình theo hình thức đối tác công tư rõ nét và mang lại hiệu quả cao. Đó là các mô hình trồng ớt và nuôi thỏ.
Công ty cổ phần Stevia Ventures triển khai mô hình Trồng ớt Mỹ Nhân Vương xuất khẩu trên địa bàn 2 huyện Ba Bể và Na Rì theo mô hình liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông với tổng diện tích trên 50ha. Thời gian trồng kéo dài khoảng 6 tháng/vụ, năng suất dự kiến đạt từ 25- 30 tấn/ha. Ký hợp đồng liên kết sản xuất ớt Mỹ Nhân Vương người dân được Công ty cổ phần Stevia Venture hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón, nilon che phủ, thuốc bảo vệ thực vật, ngoài ra Công ty còn trực tiếp tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong suốt vụ. Sản phẩm được Công ty thu mua toàn bộ với giá 5.000 đ/kg. Đến thời điểm ớt chín Công ty thông báo ngày thu mua sản phẩm cho người dân, tổ chức thu mua theo kế hoạch, trong đó địa điểm thu mua được bố trí gần vùng sản xuất, thuận tiện cho xe ô tô vào thu mua và cho việc vận chuyển tập kết hàng hoá. Sau 15 ngày thu mua người dân được thanh toán đầy đủ.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội triển khai dự án chăn nuôi thỏ nông hộ tại Ba Bể, Pác Nặm. Dự án có tổng mức đầu tư 7,9 tỷ đồng, trong đó quỹ APIF thuộc Dự án 3PAD hỗ trợ 3,4 tỷ đồng. Các hộ dân tham gia dự án được cung ứng giống thỏ, được hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc thỏ và được Công ty Cổ phần thương mại thực phẩm Hà Nội bao tiêu toàn bộ sản phẩm để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm và tinh chế dược liệu.
 |
Một diện tích trồng ớt Mỹ Nhân Vương theo mô hình đối tác công tư của công ty Cổ phần Stevia Ventures. |
Theo ông Hoàng Văn Giáp- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban quản lý dự án 3PAD Bắc Kạn, những mô hình hợp tác công tư này đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhà nước và doanh nghiệp cùng góp vốn đầu tư, huy động cả người dân và nhà khoa học vào cuộc. Cán bộ kỹ thuật của công ty trực tiếp lăn lộn cùng bà con vì sản phẩm làm ra có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận thu được. Được bảo đảm đúng kỹ thuật đương nhiên sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, người dân được bao tiêu sản phẩm không lo được mùa mất giá. Hiện tại, cả hai công ty này đang tìm đất để xây dựng nhà máy chế biến tại Bắc Kạn.
Cần thí điểm thực hiện
Hội nghị của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh mới đây đã đánh giá, cái yếu nhất hiện tại trong công tác khoa học công nghệ là không huy động được doanh nghiệp đồng hành cùng dự án. Do đó, rất nhiều nghiên cứu về sản phẩm nông sản thành công trong thực tế nhưng lại không thể ứng dụng rộng rãi vì thiếu vốn. Doanh nghiệp không muốn đồng hành trong sản xuất nông lâm nghiệp vì chưa nhìn thấy lợi ích, bận làm xây dựng cơ bản và vẫn nặng nề trong cơ chế xin cho.
Hiện tại, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư của Bắc Kạn là không nhỏ. Trong tổng vốn huy động hàng năm của các ngân hàng trên địa bàn, vốn từ dân cư luôn chiếm 2/3 nhưng cho vay ra chủ yếu đối với các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, ít có doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Cần phải hiểu rằng, thực hiện mô hình đối tác công - tư không phải do nhà nước thiếu tiền đầu tư nên phải kêu gọi tư nhân vào đầu tư mà mục đích của phương thức hợp tác này là tạo ra một sân chơi để các đối tác (nhà nước, doanh nghiệp, nông dân) cùng tham gia. Tại sân chơi này, mỗi đối tác đều có thế mạnh riêng của mình, họ sẽ cùng nhau làm gia tăng giá trị cho nông sản. Nhà nước có thế mạnh về quản lý, khoa học; người dân có thế mạnh về đất sản xuất, nhân lực; doanh nghiệp có vốn và quan trọng nhất là tạo đầu ra thị trường. Cái lợi của đối tác công tư là đưa nông dân hợp tác với nhau thành một khối lớn hơn trong sản xuất để cùng có lợi. Khi nông dân liên kết sản xuất với nhau, quy mô sản xuất lớn hơn sẽ thuận tiện hơn trong áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trên ruộng đồng và Nhà nước cũng dễ quản lý hơn. Mô hình hợp tác công tư sẽ giải quyết triệt để bài toán được mùa mất giá hay mất mùa được giá vẫn diễn ra ở tỉnh ta trong thời gian qua.
- Hình thức hợp tác công tư PPP có 05 hình thức phổ biến như sau: Mô hình nhượng quyền khai thác; Mô hình thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành DBFO (Design- Build - Finance - Operate); Mô hình xây dựng - vận hành - chuyển giao BOT (Build - Operate - Transfer); Mô hình BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành); Mô hình xây dựng - sở hữu - vận hành BOO (Build - Own - Operate). - Ngày 09/11/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg quy định thực hiện thí điểm theo hình thức đối tác công – tư. Trong đó, thí điểm thực hiện ở các lĩnh vực: Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ; Đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt; Giao thông đô thị; Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; Hệ thống cung cấp nước sạch; Nhà máy điện; Y tế (bệnh viện); Môi trường (nhà máy xử lý chất thải); Các Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. - Ngày 10/6/2013, Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tại điểm d, khoản 2, mục I yêu cầu đẩy mạnh phát triển đối tác công tư PPP. |
Lượng các đề tài, dự án khoa học nghiên cứu thử nghiệm thành công các mô hình nông lâm nghiệp của Bắc Kạn là tương đối nhiều. Đây là tiền đề để khởi tạo thí điểm hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Chính phủ cũng đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn sẽ được hưởng ưu đãi về đất đai đồng thời nhận được nhiều hỗ trợ đầu tư lớn. Theo Nghị định thì căn cứ sản phẩm đặc thù và nguồn lực hiện có của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Đây là một điều thuận lợi cho thí điểm hợp tác công tư trong nông nghiệp đối với Bắc Kạn nhất là với những mặt hàng nông lâm sản có tiềm năng.
Hiện tại, mô hình hợp tác công tư nói chung và trong nông nghiệp nói riêng đang được Nhà nước xem xét ban hành các văn bản Luật cụ thể. Chính phủ cũng mới chỉ đạo thí điểm mô hình này chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang xem xét lựa chọn giải pháp này. Thực tế với những gì đã có qua một số mô hình tại Bắc Kạn thì rõ ràng hợp tác công tư nên cần được thí điểm thực hiện và mở rộng nhất là khi hình thức này sẽ là phổ biến trong tương lai./.
Tuấn Sơn