Cần có giải pháp bảo tồn và phát triển cây dược liệu

Bắc Kạn được biết đến là địa phương có nhiều cây dược liệu quý. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng khai thác tràn lan khiến diện tích cây dược liệu ngày càng bị thu hẹp, nhiều cây thuốc quý đứng trước nguy cơ bị tận diệt...

Bắc Kạn được biết đến là địa phương có nhiều cây dược liệu quý. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng khai thác tràn lan khiến diện tích cây dược liệu ngày càng bị thu hẹp, nhiều cây thuốc quý đứng trước nguy cơ bị tận diệt...

Với nguồn tài nguyên rừng phong phú, đa dạng, Bắc Kạn có trên 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có gần 20 loại cây quý và hiếm. Cây dược liệu có ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn, Na Rì… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nền y, dược cổ truyền ở địa phương, cũng là nền tảng phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân khi mở rộng diện tích trồng các loại cây dược liệu có giá trị.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do tình trạng khai thác ồ ạt, tràn lan các cây dược liệu đã dẫn đến diện tích, sản lượng của các loại cây này bị thu hẹp, một số loại cây gần như bị tận diệt. Điển hình như cây Hoàng liên ô rô. Theo y học cổ truyền, đây là loại cây có tác dụng chữa ho lao, sốt cơn, khạc ra máu, lưng gối yếu mỏi, chóng mặt ù tai, mất ngủ… Nếu như khoảng 10 năm trước đây, người dân có thể dễ dàng khai thác được hàng chục tấn cây này trong vài ngày, thì nay chỉ còn một diện tích nhỏ ở xã Bản Thi (Chợ Đồn).

Hay như cây Bảy lá một hoa (còn gọi là Thất diệp nhất chi hoa, Độc cước liên, Thảo hà xa…), có tác dụng chữa sốt, rắn độc cắn, chữa ho lâu ngày, hen suyễn… Tuy nhiên do quá trình khai thác tràn lan nên loại cây quý, hiếm này gần như không còn thấy ở tỉnh ta. Một số loại cây khác như: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi tím… cũng đang dần bị thu hẹp vùng phân bố tự nhiên, hoặc không còn thấy ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

IMG-5342: Việc bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu chủ yếu được thực hiện nhỏ lẻ ở các trạm y tế xã.
Việc bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu chủ yếu được thực hiện nhỏ lẻ ở các trạm y tế xã.

Theo ông Nông Phúc Chinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh thì hiện nay, các sản phẩm từ cây dược liệu xuất hiện trên thị trường trong tỉnh phần lớn là do được nhập từ các tỉnh, thành phố hoặc các quốc gia lân cận về. Ngoại trừ một số loại cây dược liệu đã biến mất thì với những diện tích cây dược liệu có giá trị kinh tế, hoặc quý hiếm còn lại cũng chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân bản địa, chưa đủ cung cấp ra thị trường. Thực tế là vậy nhưng vấn đề cần chấn chỉnh các hoạt động khai thác ồ ạt, tràn lan, tiếp tục bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được chú trọng thực hiện.

Cũng theo ông Nông Phúc Chinh, để bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu cần huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong đó chú trọng bảo tồn, phát triển tại các điểm có trữ lượng cây dược liệu lớn. Bên cạnh đó, để vận động được người dân cùng tham gia công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu được giá trị của cây thuốc, từ đó nhân rộng đến các địa phương khác trong tỉnh.

Hiện nay việc bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu chưa thu hút được sự tham gia của nhiều ban, ngành, mà được coi như nhiệm vụ của riêng ngành Y tế. Hoặc mới dừng lại ở quy mô hộ gia đình, chỉ khoảng 10-20 loại cây, diện tích nhỏ lẻ, vừa đủ phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh hàng ngày của các hộ dân. Đi đôi với đó, do thiếu vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc nên việc mở rộng quy mô, diện tích trồng cây dược liệu gặp khó khăn.

Được biết, vừa qua UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển y, dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, trong đó có mục tiêu phát triển phong trào trồng và sử dụng thuốc nam, xây dựng dự án bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh. Đây được coi là tín hiệu vui góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu. Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều cấp, ngành trong việc quản lý, bảo tồn, phát triển cây dược liệu. Đồng thời, cần chấn chỉnh hoạt động thu mua, khai thác cây dược liệu trong tự nhiên theo hướng bảo tồn và phát triển; có những chính sách ưu đãi đối với việc quy hoạch vùng chuyên canh, phát triển trồng cây dược liệu tại địa phương./.

Trần Hạnh

Xem thêm