Cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH; bãi bỏ tất cả các cơ chế thu nhập đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội quyết nghị cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH; bãi bỏ tất cả các cơ chế thu nhập đặc thù, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khoá XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khoá XV.

Sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp gần nhất

Ngày 29/11, tại Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV.

Theo Báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ sáu, sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023), Kỳ họp thứ sáu đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra trên cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, tập trung giải quyết khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7 Luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án Luật khác.

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, sau khi cân nhắc thận trọng nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, qua đó tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ nút thắt, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ.

Thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm cụ thể hóa kịp thời các quy định về việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu được OECD đề xuất được bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm nhận được sự đồng tình, đánh giá cao

Về hoạt động giám sát, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Quốc hội đã dành 2,5 ngày để chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư.

Quốc hội cũng thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ sáu; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm.

Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, Nhân dân cả nước.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Hồ Long

Cải cách tổng thể chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH; bãi bỏ tất cả các cơ chế thu nhập đặc thù, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất

Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước…

Trong đó, tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội quyết định, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Quốc hội cũng quyết định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở.

Đồng thời, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, bảo đảm hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước…

Tiếp tục đổi mới công tác giám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tại cuộc họp báo, các đại biểu Quốc hội đã trả lời nhiều câu hỏi, giải đáp các thắc mắc, ý kiến của các nhà báo xung quanh kết quả Kỳ họp, những quyết sách lớn được đưa ra tại Kỳ họp trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Giải đáp câu hỏi của các nhà báo về vấn đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, góp phần giúp các luật, Nghị quyết của Quốc hội được thực thi một cách nghiêm minh, tổ chức thực hiện hiệu quả trên phạm vi cả nước. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát.

Trước hết, về ban hành thể chế và các văn bản chỉ đạo, Đảng Đoàn Quốc hội đã có kết luận về Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành quy định về giám sát văn bản quy phạm pháp luật để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết về các hoạt động giải trình trước Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng đang được khẩn trương xây dựng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hướng tới đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan đến hoạt động giải trình.

Về giám sát của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết hướng dẫn về giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp cũng như các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân. Các văn bản được ban hành này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Trong tổ chức thực hiện giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng. Cụ thể như việc ban hành Nghị quyết chất vấn khi tiến hành chất vấn ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân, công tác dân nguyện cũng được chú trọng.

Đây là những điểm mới trong nhiệm kỳ Quốc hội này, góp phần giúp công tác giám sát được thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn ở mọi lĩnh vực.

Các nhà báo, đại diện cơ quan thông tấn, báo chí tại họp báo

Các nhà báo, đại diện cơ quan thông tấn, báo chí tại họp báo

Về nội dung tiếp tục đổi mới hoạt động này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, công tác giám sát của Quốc hội sẽ còn có nhiều đổi mới hơn nữa, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Trong suốt thời gian qua, các phóng viên đã đồng hành với Quốc hội trên tất cả các sự kiện.

Những phản ánh kịp thời của phóng viên đã góp phần quan trọng để thông tin cho cử tri, Nhân dân cả nước biết về những hoạt động Quốc hội, qua đó giám sát hoạt động của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội do mình tín nhiệm bầu ra.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, phản ánh chân thực, kịp thời các hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, qua đó làm cầu nối vững chắc giữa Quốc hội và cử tri, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước./.

Xem thêm