Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT&TKCN năm 2023

Cả nước thiệt hại gần 19.500 tỷ đồng do thiên tai trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiều 20/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Báo cáo cho thấy, năm 2022, thiên tai tại Việt Nam diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước. Trong năm đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai với 1.072 trận thiên tai, trong đó có 07 cơn bão; 258 trận dông lốc, mưa lớn; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 286 trận động đất; 191 vụ sạt lở bờ sông; 02 đợt rét đậm, rét hại và 02 đợt nắng nóng, hạn hán. Thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 03 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 02 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển, cuối tháng 3/2023 xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 07 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT&TKCN năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã đạt được kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra một số những hạn chế chưa được xử lý dứt điểm như: Vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng cũng như công trình PCTT nói riêng còn thấp. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó giảm thiểu thiên tai của các địa phương chưa được cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai. Công tác vận hành hồ chứa còn bị động…

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nêu rõ: Chưa bao giờ tình hình thiên tai phức tạp như hiện nay, Hội nghị lần này có ý nghĩa rất lớn để chúng ta nhìn nhận, đánh giá đúng thực chất nhằm đưa ra giải pháp, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay. Đồng chí đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã chung tay góp sức, đoàn kết sẻ chia vượt qua khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong công tác PCTT&TCKN, yêu cầu thời gian tới các bộ, ngành địa phương tiếp tục đề cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động các phương án phòng ngừa, ứng phó. Ưu tiên nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo, có nhiều hình thức truyền thông phù hợp để giảm thiểu những thiệt hại. Đặc biệt với các địa phương ít xảy ra thiên tai không nên chủ quan, lơ là. Công tác phối hợp, phân công phải minh bạch, rõ ràng. Trong quy hoạch phát triển kinh tế, các tỉnh lưu ý đến yếu tố ứng phó với tình huống thiên tai bất ngờ. Có sự chăm sóc đầu tư cho các vùng ảnh hưởng sau thiên tai.../.

UBND tỉnh

Xem thêm