Bất cập trong ký quỹ môi trường

Ký quỹ môi trường là việc buộc các đơn vị kinh tế phải ưu tiên bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh. Sự ra đời của Quỹ Bảo vệ môi trường Bắc Kạn hứa hẹn sẽ giúp tỉnh sử dụng công cụ này hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều bất cập.
Thực trạng ký quỹ
Ký quỹ môi trường là công cụ áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc một khoản tiền lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường. Theo quy định, các tổ chức, cá nhân khi hoạt động khai thác khoáng sản phải lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác và tiến hành ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hay Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương nơi có mỏ khai thác (thay vì thông qua ngân hàng như trước đây). Mục đích của việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là để đảm bảo tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. 
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Kạn, đến hết tháng 3/2014 trên toàn tỉnh có 78 dự án và 2 đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt với tổng số tiền phải ký quỹ hơn 48 tỷ đồng. Đến nay tổng số tiền các dự án đã nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường và các quỹ tín dụng được hơn 17 tỷ đồng. Tổng số các dự án đã ký quỹ xong là 24 dự án với tổng tiền ký quỹ hơn 11 tỷ đồng. Trong số này, các mỏ còn phép đang hoạt động là Chì kẽm Chợ Điền (Chợ Đồn); vàng Khau Âu (Chợ Mới); chì kẽm Nà Quản (Chợ Đồn); vàng Bản Lìm - Nà Pò (Ngân Sơn). Các mỏ đã hết phép, không còn hoạt động là vàng Nà Làng (Na Rì); vàng Hoàng Phài (Ngân Sơn); vàng Ao Tây (Na Rì); vàng Bản Nghiểng - Vằng Ma (Pác Nặm)… Các mỏ đã hết phép nhưng hiện đã được cấp phép khai thác mới là đá vôi Nà Cà, thạch anh Bằng Lãng, đá vôi Lủng Ráo, đá vôi Cốc Ngận, đá vôi Lủng Điếc, đá vôi Phya Van. 
Khai trường mỏ đá vôi Lủng Điếc (Ba Bể)
Khai trường mỏ đá vôi Lủng Điếc (Ba Bể).
Các dự án thuộc đối tượng ký quỹ nhiều lần đang thực hiện ký quỹ là 33 dự án với tổng tiền phải ký quỹ hơn 21 tỷ đồng, đến nay đã nộp được hơn 5 tỷ đồng. Số nợ còn lại chưa đến thời hạn phải nộp. Các dự án này là các mỏ như mỏ chì kẽm Cốc Chặng, mỏ chì kẽm Bản Két, mỏ chì kẽm Pác Ả, mỏ sắt Bản Quân… Hiện tại, còn có 16 dự án đang chờ nộp tiền ký quỹ với tổng tiền hơn 13 tỷ đồng do đang chờ hoàn thiện thủ tục hồ sơ cấp phép. Có 3 dự án là vàng Bản Giang (Na Rì), vàng Hoàng Phài (Ngân Sơn) và vàng Ao Tây (Na Rì) đã rút tiền ký quỹ với tổng tiền hơn 4 tỷ đồng. 
Nhiều bất cập
Kiểm tra, rà soát cũng như tổ chức hội nghị đánh giá, ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đều phải đưa ra nhận định rằng đa số các cơ sở khoáng sản chưa thực hiện nộp tiền ký quỹ theo đúng thời hạn quy định. Riêng năm 2014, đến hết tháng 4 còn 17 dự án chưa nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường cho năm 2014. Có thể kể ra những mỏ như sắt Pù Ổ (Tổng Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico); chì kẽm Cốc Chặng (Công ty TNHH Ánh Mai); chì kẽm Pác Ả (Công ty TNHH Hoàng Giang); mỏ sắt Bản Cuôn 1 (Công ty Cổ phần Vật tư và thiết bị toàn bộ Matexim); đá Nà Hai (doanh nghiệp tư nhân Tuấn Ngân)… Việc cố tình chây ỳ khi bắt đầu phải nộp tiền ký quỹ và chây ỳ trong thực hiện dự án cải tạo phục hồi môi trường điều dễ nhận thấy ở một số doanh nghiệp. 
Một số đơn vị đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa thực hiện việc ký quỹ đầy đủ, như: Công ty TNHH Sơn Hà phải nộp 80 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa nộp hết; Tổng Công ty Cổ phần khoáng sản và luyện kim Bắc Kạn chưa ký quỹ đối với mỏ chì kẽm Sáo Sào năm 2013 và 2014. Đáng chú ý là có nhiều mỏ đã dừng hoạt động nhưng vẫn chưa hoàn thành ký quỹ. Đối với các mỏ đã hết phép khai thác, nộp xong tiền ký quỹ thì đa phần lại chưa hề thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Thậm chí nhiều mỏ đã hết phép nay được cấp phép mới cũng vẫn chưa hoàn thành công việc bắt buộc này. 
Theo Quyết định 18/2013/QĐ-TTg, đối với Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 3 năm phải thực hiện ký quỹ một lần và mức tiền ký quỹ bằng 100% số tiền được phê duyệt. Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 3 năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần; trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 10 năm, từ 10 năm đến dưới 20 năm, từ 20 năm trở lên thì mức ký quỹ lần đầu tương ứng bằng 25%, 20%, 15% tổng số tiền ký quỹ; số tiền ký quỹ những lần sau được tính bằng tổng số tiền ký quỹ trừ đi số tiền ký quỹ lần đầu, chia đều cho các năm theo dự án đầu tư được phê duyệt hoặc thời gian còn lại theo Giấy phép khai thác khoáng sản.
Theo đồng chí Mông Quốc Hùng- Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Bắc Kạn, một số mỏ chưa ký quỹ theo đúng quyết định phê duyệt. Những mỏ này trước đây trình báo cáo đánh giá tác động môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường cho UBND cấp huyện phê duyệt. Nay đã có phê duyệt của UBND tỉnh nhưng vẫn ký quỹ theo dự án được UBND cấp huyện phê duyệt nên phải có điều chỉnh. Ngoài ra cũng phải thấy rằng, do sản xuất, kinh doanh đình trệ trong thời gian qua nên rất nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong bố trí kinh phí nộp quỹ theo đúng thời hạn. 
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Kạn cho biết, trong thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập. Đơn cử như chưa có quy định cụ thể về ký quỹ đối với các trường hợp mỏ đang khai thác và thực hiện ký quỹ nhiều lần nhưng vì nhiều lý do mà mỏ tạm dừng hoạt động; một số dự án không có quyết định phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường; số tiền đã ký quỹ trước đây tại các quỹ tín dụng và Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam chưa được đưa về Quỹ Bảo vệ môi trường Bắc Kạn gây khó khăn trong quản lý. 
Theo quy định tại khoản 1, điều 10 của Quyết định 18/2013/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ lần đầu trước khi đưa mỏ vào khai thác 30 ngày; việc ký quỹ lần 2 trở đi phải thực hiện trước ngày 30/1 của năm ký quỹ. Đây là quy định rõ ràng nhưng nếu còn không thực hiện được đầy đủ thì dư luận cũng không khỏi nghi ngờ về việc khai thác sẽ gắn với bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Để việc thực hiện ký quỹ môi trường đạt hiệu quả, điều quan trọng là phải tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực môi trường ở các địa phương có nhiều điểm khai thác mỏ. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm Luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật./.
Tuấn Sơn

Xem thêm