Bảo vệ thượng nguồn sông Cầu

Dòng sông Cầu qua địa phận Bắc Kạn có chiều dài khoảng 100km, bắt nguồn từ thôn Bằng Viễn 1, xã Phương Viên (Chợ Đồn) rồi chảy hợp nhất với các nhánh sông của một số tỉnh miền xuôi. Trải qua nhiều năm, con sông nơi đây có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, vì vậy vấn đề bảo vệ thượng nguồn sông Cầu luôn phải đặt lên hàng đầu.

Nơi thượng nguồn Sông Cầu
Nơi thượng nguồn Sông Cầu được xem là nhánh chính vì lượng nước hằng năm nhiều hơn so với nhánh phụ.

Từ trung tâm xã Phương Viên đến nơi khởi nguồn sông Cầu chỉ mất khoảng 5km nhưng lại có tới 2km là đường đất. Dẫn chúng tôi đến nơi thượng nguồn là ông Văn Tiến Thủ- Trưởng thôn Bằng Viễn 1 cũng là người thông thuộc địa hình và hiểu rõ về đoạn sông này. Trước mắt chúng tôi, vị trí thượng nguồn Sông Cầu đang ở rất gần, qua bản người Dao sinh sống là đến nơi, càng tới gần càng cảm nhận rõ âm thanh của tiếng nước chảy, sự háo hức lần đầu đặt chân đến nơi đây càng khiến bước đi của chúng tôi thêm nhanh hơn.

Dưới tán rừng xanh ngắt, đầu nguồn sông Cầu hiện ra với vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc. Dòng nước chảy từ chân phía núi Phja Khao xuống tạo thành từng tầng nước, xen giữa là các tảng đá mồ côi lớn nhỏ. Vào ngày nắng, nước nơi đây trong vắt nhìn rõ cả từng viên sỏi, đá. Như để kiểm chứng về độ tinh khiết của nước đầu nguồn, Trưởng thôn Văn Tiến Thủ chặt hẳn một đoạn ống tre, hứng nước uống ngon lành, chúng tôi làm theo và cảm nhận rõ về sự ngọt ngào khi dòng nước đi vào cơ thể.

Nước nơi đây trong vắt có thể nhìn rõ từng viên đá
Nước nơi đây trong vắt có thể nhìn rõ từng viên đá.

Quanh khu vực thượng nguồn chủ yếu là rừng phòng hộ với nhiều cây tạp, chỉ có tiếng nước róc rách chảy, thi thoảng có tiếng chim muông. Nghe Trưởng thôn kể lại rằng trước đây, tình trạng phá rừng thượng nguồn thường xảy ra, vào những đợt mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về khiến cho cây cối đổ rạp, gỗ, củi trôi dạt xuống làng, sau mưa cánh rừng trở nên trơ trọi. Còn bây giờ nhờ có chính sách bảo vệ rừng, tình trạng chặt phá rừng đã hạn chế rất nhiều, rừng xanh trở lại, nước cũng trở về với hiện trạng tự nhiên dù có cạn đi một phần so với ngày trước.

Ông Thụ cũng cho biết thêm, trong các cuộc họp thôn vẫn phải thường xuyên nhắc nhở bà con bảo vệ rừng đầu nguồn, không thả rác bừa bãi, vì đây là mạch nước quan trọng cung cấp nước uống, nước sản xuất cho toàn vùng. Nhờ tuyên truyền nhắc nhở nên ý thức của người dân cũng dần được nâng lên.

Anh Lâm Văn Cường, một người dân có vườn cây ăn quả gần đó cho biết: "Từ nhỏ tôi đã chứng kiến những tác động của thiên nhiên đến dòng sông, đúng là ngày trước rừng đầu nguồn hay bị phát phá lấy củi, lấy gỗ, nhất là về mùa mưa nước đầu nguồn đổ về nhiều lắm, rất sợ lũ ống, lũ quét. Còn bây giờ Nhà nước cấm cửa rừng nên cũng ít người dám đến chặt, phát phá, thi thoảng cũng có vài nhóm người vào tham quan vì ở đây nước trong, không khí trong lành, có nhiều tảng đá đẹp". Chỉ tay về phía hướng nước chảy, anh Cường khoe với chúng tôi là trên cao còn vài cái thác nước rất đẹp.

Bằng Viễn 1 có 103 hộ dân, trước đây thuộc 2 thôn Nà Đon, Nà Chúa, sau khi sáp nhập thành thôn Bằng Viễn 1. Người dân trong thôn cho biết, thượng nguồn sông Cầu có một nhánh phụ và một nhánh chính, trong đó nhánh phụ bắt đầu từ dãy núi Tam Tao, còn nhánh chính lượng nước nhiều hơn gọi là "mốc 3 cạnh" thuộc dãy núi giáp ranh xã Bằng Phúc, Quảng Bạch, khi đến trung tâm thôn thì 2 nhánh hòa làm một.

Ở xã Phương Viên, toàn bộ diện tích hơn 200ha đều nhờ nước tưới tiêu của dòng sông Cầu nên ruộng vườn nơi đây luôn trù phú, năng suất, sản lượng lương thực ổn định. Tuy nhiên, theo thời gian sông Cầu chạy qua các địa phận dân cư sinh sống luôn chịu tác động không nhỏ từ việc ô nhiễm môi trường, rác thải dưới lòng sông do con người vứt xuống, điều này sẽ khiến cho nhiều đoạn sông bị ô nhiễm, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sản xuất cũng nhu cầu sử dụng nước của các vùng hạ lưu.

Đồng chí Ma Ngọc Tuyền- Chủ tịch UBND xã Phương Viên cho biết: "Sông Cầu có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng với đời sống nông nghiệp của bà con, do khởi nguồn ở địa bàn nên việc bảo vệ sông luôn được địa phương hết sức chú ý. Hiện, xã giao cho người dân trong thôn trông coi, quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn bằng việc thường xuyên tuyên truyền bà con không được phát phá rừng trái phép, không thả rác bừa bãi, động vật chết xuống khe, suối sông. Nhờ công tác tuyên truyền liên tục nên đầu nguồn con sông vẫn giữ được sự tự nhiên vốn có. Tuy nhiên qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, điều mà bà con mong muốn là Nhà nước nên xem xét, có chính sách đặc thù đối với khu vực đầu nguồn để từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên".

Với vị trí, tác dụng to lớn của sông Cầu mang lại, tỉnh đang có ý định khảo sát khu vực thượng nguồn, mục đích bảo vệ khu vực đầu nguồn dòng sông, khai thác vùng bản địa theo hướng trải nghiệm du lịch sinh thái, qua đó giúp cho nhiều người hiểu rõ hơn về thượng nguồn sông Cầu cũng như giảm tác động, hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với dòng sông./.

Thu Trang

Xem thêm