Bảo vệ, khai thác danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể

 

Du lịch sinh thái hồ Ba Bể được tỉnh xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, do vậy, công tác tổ chức quản lý, khai thác và phát triển dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, nhà nước; quy định Luật bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, nhằm bảo tồn bền vững đa dạng sinh học, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Những cây lát quý hiếm này đang được vườn quốc gia Ba Bể tích cực bảo vệ.
Những cây lát quý hiếm này đang được vườn quốc gia Ba Bể tích cực bảo vệ.

Với hệ thống rừng nguyên sinh, tài nguyên thiên nhiên phong phú với hơn 500 loài động vật có xương sống, trong đó nhiều loài đặc trưng nằm trong sách đỏ Việt Nam; hơn 100 loài động vật dưới nước; hơn 1 nghìn loài thực vật… Hồ Ba Bể có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước trong khu vực: Mùa cạn nước từ hồ đổ ra sông Năng ở phía bắc, khi lũ lớn nước sông Năng dâng cao chảy vào hồ làm cho nước hồ ứ lại. Có khả năng điều tiết hơn 40 triệu m3 nước cho sông Năng và sông Gâm. Là hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam. Độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh cao trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam và các khu vực núi đá vôi trên thế giới. Do vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức là một việc làm cần thiết nhằm hướng tới sự cân bằng giữa phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội. 

Những năm qua, công tác quy hoạch, kế hoạch về quản lý, bảo vệ và phát triển du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, việc bảo vệ, khai thác dựa trên quy định Luật bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường. Theo kế hoạch phát triển du lịch Bắc Kạn đến năm 2020, đó là: Đến năm 2020, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu về tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ giai đoạn 2012-2015, đạt khoảng 18%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14-15%; tỷ trọng đến năm 2015 chiếm 34% và năm 2020 chiếm 30,4% trong cơ cấu kinh tế. Phấn đấu lượng khách đến du lịch tại tỉnh hằng năm tăng từ 25-28%; năm 2015 đón khoảng 430.000 lượt khách, năm 2020 đón khoảng 1.350.000 lượt khách; doanh thu du lịch xã hội tăng bình quân từ 30-35%/năm...

 

Theo đó, giai đoạn 2012 - 2015 tập trung vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại  các khu, điểm du lịch: Các dự án đầu tư hạ tầng trong khu du lịch VQG Ba Bể. Hoàn thành tuyến đường từ Ba Bể đi Đà Vị (Tuyên Quang); đường đi bộ từ thác Đầu Đẳng đến bến thuyền Tà Kèn. khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở lưu trú; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào thế mạnh sẵn có là: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch Lịch sử - Văn hóa. Phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương như hồng không hạt, quýt...Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể để khai thác trong các tour du lịch. Liên kết, hợp tác với các tỉnh trong khu vực xây dựng phát triển các tuyến du lịch, đặc biệt là tuyến du lịch Ba Bể - Hồ thuỷ điện Na Hang (Tuyên Quang)... 

Hiện nay, vườn quốc gia Ba Bể đã có 62 phòng nghỉ, 2 nhà ăn, nhà hội trường, quán bar, bãi đỗ xe, cây xanh. Có hệ thống đường mòn sinh thái, các bản tin diễn giải, hướng dẫn cho khách tham quan, các điểm du lịch, tuyến du lịch dần được củng cố và xây dựng, một số cơ sở hạ tầng như bến thuyền, đường mòn cơ bản phát huy được hiệu quả. Khu vực vùng hồ Ba Bể đã hình thành 18 nhà nghỉ, hầu hết là nhà sàn truyền thống, tập trung ở các thôn: Pác Ngòi, Bó Lù; 88 thuyền chở khách, 15 hộ bán hàng. Bình quân thu nhập mỗi hộ gia đình đạt khoảng 10- 15 triệu đồng/năm.

Nhằm tiếp tục quản lý bảo vệ, khai thác tốt tiềm năng du lịch, vườn Quốc gia Ba Bể đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động trong công tác quản lý, bảo vệ như: Tổ chức xây dựng đường thoát nước, bếp cải tiến, bể khí bioga tiết kiệm nhiên liệu cho người dân tại vùng hồ; phối hợp với một số xã quanh khu vực vườn Quốc gia tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường; thi tìm hiểu bảo tồn đa dạng sinh học tại hội xuân hồ Ba Bể hằng năm cho các em học sinh, các du khách đến hội xuân...

Bên cạnh đó, việc ổn định đời sống cho người dân sống trong khu vực vùng lõi, vùng đệm vườn quốc gia từng bước được quan tâm, bởi, nếu người dân ở khu vực đảm bảo được mức sống thông qua các hoạt động mưu sinh thường ngày thì sẽ giảm bớt việc khai thác các loại tài nguyên rừng tại vườn Quốc gia như dự án 3PAD, 30a... với hình thức hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, hỗ trợ vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật; dạy nghề thêu các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách đến tham quan du lịch...

Hệ thống bảng biển thông báo về bảo vệ nguồn thủy sản hồ Ba Bể.
Hệ thống bảng biển thông báo về bảo vệ nguồn thủy sản hồ Ba Bể.

Công tác bảo vệ môi trường đặc biệt được chú trọng, trong năm 2012, Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng của Vườn quốc gia Ba Bể đã tổ chức giáo dục môi trường tại xã Nam Mẫu, Khang Ninh; tập huấn cho giáo viên, đoàn thanh niên và cán bộ vườn về phương pháp sử dụng bộ công cụ hỗ trợ hoạt động giáo dục môi trường do Dự án bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng (Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam) tài trợ và đã thành lập 2 câu lạc bộ bảo tồn ở 2 trường THCS xã Khang Ninh và Nam Mẫu; tổ chức cho các em học sinh ở 2 trường nói trên được 2 đợt dã ngoại khám phá rừng thông qua việc sử dụng bộ công cụ hỗ trợ hoạt động giáo dục môi trường; phối hợp với 9 xã quanh khu vực vườn Quốc gia Ba Bể tổ chức phát thanh chương trình bảo tồn, sao băng đĩa gửi cho các xã phát trên đài phát thanh trong các chương trình hằng ngày… 

Là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Việc phát huy tiềm năng du lịch hồ Ba Bể đòi hỏi có sự đầu tư quy mô, vì vậy,  đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục của Vườn quốc gia; các điểm du lịch; hệ thống đường giao thông... là một nhu cầu cần thiết cho sự phát triển mạng lưới du lịch hồ Ba Bể. Tỉnh Bắc Kạn nói chung, huyện Ba Bể nói riêng mong muốn tiếp tục được đón tiếp các nhà đầu tư vào tỉnh, góp phần phát triển du lịch Bắc Kạn nói chung, du lịch sinh thái hồ Ba Bể nói riêng ngày càng xứng tầm hơn nữa./.


Tùng Vân

Xem thêm