Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lượn cọi

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Năm 2019, Lượn cọi của người Tày Pác Nặm được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Để bảo tồn và phát triển, năm 2022 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lượn cọi” của người Tày huyện Pác Nặm. Sau 01 năm triển khai, dự án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Lượn cọi là loại hình trình diễn dân gian mang đậm hơi thở của cuộc sống

Lượn cọi là loại hình trình diễn dân gian mang đậm hơi thở của cuộc sống

Ông Hoàng Văn Hồng, một trong những nghệ nhân Lượn cọi ở thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm cho biết: “Thời xưa, hầu hết mọi người ở trong thôn, xã của Pác Nặm đều biết hát Lượn cọi. Làn điệu Lượn cọi ấm áp, mượt mà, sâu lắng, hoà quyện giữa lời hát và tiếng sáo trong trẻo, ngọt ngào.

Nội dung của các bài Lượn cọi có thể là ca ngợi về quê hương, đất nước, bản làng, mùa màng tươi tốt bội thu, về tình cảm con người, tình yêu đôi lứa… giãi bày tâm sự, suy nghĩ, tỏ tình, để bày tỏ ước mơ tìm đến hạnh phúc, kết duyên vợ chồng. Trong quan hệ gia đình con cái, người Tày hát Lượn cọi còn bao hàm tình cảm trìu mến, tình yêu thương, dạy bảo để con cái lớn lên thành người có ích, sống có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng. Ở đám cưới, Lượn cọi là để chúc mừng hạnh phúc cho cặp uyên ương, chúc gia chủ, họ hàng đôi bên mạnh khỏe, chúc mừng nhà trai đón được cô dâu mới..."

Hát Lượn cọi là di sản quý báu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng của người Tày Pác Nặm

Hát Lượn cọi là di sản quý báu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng của người Tày Pác Nặm

Tuy nhiên, đến nay, cả thôn chỉ còn có khoảng 20 người biết hát, phần lớn là những người trung tuổi, cao tuổi. Để duy trì làn điệu Lượn cọi và các làn điệu dân ca khác của dân tộc Tày ở địa phương, ông Hồng đã đứng ra vận động bà con thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2017, hiện nay có 52 thành viên, trong đó thành viên cao tuổi nhất trên 70 tuổi. Lượn cọi được bà con biểu diễn vào các dịp như ăn hỏi, cưới xin, vào nhà mới, lễ hội.

Để công tác bảo tồn được bài bản, Dự án đã triển khai các bước điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng di sản. Các đối tượng khảo sát gồm: già làng, trưởng bản, người có uy tín, nghệ nhân và người dân có khả năng thực hành di sản tại địa bàn ở các xã Bộc Bố, Cao Tân, Cổ Linh, Nhạn Môn, Công Bằng, Giáo Hiệu, Xuân La, An Thắng, Nghiên Loan, Bằng Thành.

Đồng thời mở lớp truyền dạy bí quyết thực hành di sản, xây dựng mô hình hoạt động điểm. Người truyền dạy là các nghệ nhân hiện đang nắm giữ di sản Lượn cọi đã được Bộ VHTTDL công nhận. Xây dựng 04 mô hình Câu lạc bộ Lượn cọi ở các xã Bằng Thành, Nhạn Môn, Công Bằng, Giáo Hiệu. Xuất bản Đĩa CD ca nhạc và xây dựng phim tài liệu để bảo tồn, giới thiệu và quảng bá về di sản “Lượn cọi” của người Tày huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Ông Hoàng Minh Thư, Trưởng phòng quản lý Du lịch và Di sản, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết: “Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lượn cọi” của người Tày huyện Pác Nặm cơ bản đạt được mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Với những sản phẩm bước đầu của dự án, ngành Văn hoá mong rằng trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm triển khai công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa nói chung và di sản Lượn cọi nói riêng tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực để phát triển du lịch”./.

Xem thêm