Bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ gắn với du lịch trải nghiệm

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) không chỉ nổi tiếng với rượu men lá mà nơi đây còn có đặc sản chè Shan tuyết. Hiện cả xã có tới vài trăm gốc chè cổ thụ, những năm trước đây vì lợi ích trước mắt nhiều người dân đã chặt hạ, khai thác bán cho dân chơi cây cảnh... Vì vậy, vấn đề bảo tồn giống chè cổ thụ gắn với phát triển du lịch đang được các cấp chính quyền huyện triển khai thực hiện.

Nhiều gốc chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi được người dân xã Bằng Phúc chăm sóc, thu hoạch và bảo vệ.

Nhiều gốc chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi được người dân xã Bằng Phúc chăm sóc, thu hoạch và bảo vệ.

Toàn xã Bằng Phúc hiện có hơn 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ, giống cây chè có đặc điểm lá xanh đậm, tán rộng, rễ ăn sâu vào lòng đất, thảm thực vật dày, khả năng che phủ tốt. Hiện cây phân bổ chủ yếu ở các thôn Phiêng Phung, Nà Bay, Bản Khiếu, Bản Chang, Nà Pài, Nà Hồng, Khuổi Cưởm, chu vi gốc từ 40cm trở lên, đa số các gốc cây đều phân thành 2-3 nhánh, không sâu hại và đang phát triển tốt.

Đây là cây không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị rất lớn về mặt môi trường, khoa học. Chè Shan tuyết là cây trồng quý, nằm trong danh mục là những cây trồng cấm xuất khẩu tại phụ lục I, Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Do đó việc bảo tồn, lưu lại những gốc chè cổ thụ này là hoàn toàn cần thiết nhằm bảo tồn gốc gen quý, cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, diện tích chè Shan tuyết nói chung, cây chè cổ thụ nói riêng ngày càng giảm do không được quan tâm chăm sóc, một số trồng xen cây lâm nghiệp. Thậm chí có gốc còn bị đào bán cho các thương lái, người chơi cây cảnh ở ngoài tỉnh nên số lượng giảm dần.

Trước nguy cơ “chảy máu” cây chè cổ thụ, tháng 12 năm 2022, huyện Chợ Đồn đã ban hành nghị quyết thông qua phương án “Bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ xã Bằng Phúc giai đoạn 2023-2025”, mục tiêu là nhằm bảo tồn 433 cây chè Shan tuyết cổ thụ, lưu giữ nguồn gen quý, phục vụ du lịch sinh thái trải nghiệm, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Những gốc chè cổ thụ được địa phương di chuyển đến nơi khác trên địa bàn do GPMB thi công tuyến đường TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể.

Những gốc chè cổ thụ được địa phương di chuyển đến nơi khác trên địa bàn do GPMB thi công tuyến đường TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể.

Để thực hiện nghị quyết, UBND huyện đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì, tổ chức thực hiện, trong vòng 3 năm, sẽ hỗ trợ các hộ quy trình kỹ thuật về đốn tỉa, tạo tán cân đối. Tổ chức gắn biển có đánh số thứ tự, ghi thông tin, lập sổ theo dõi, lập sơ đồ số hóa và đăng tải trên cổng thông tin điện tử huyện; gắn 3 biển chỉ dẫn tại 03 khu tập trung nhằm hướng dẫn, quảng bá vùng chè Shan tuyết cổ thụ.

Đồng chí Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để thực hiện phương án, trước đó, huyện đã nhiều lần kiểm tra, khảo sát vùng chè Shan tuyết cổ thụ. Có phương án di chuyển kịp thời đối với những cây nằm trong khu vực đang thi công tuyến đường TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể. Giao nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì, phối hợp với UBND xã Bằng Phúc, các cơ quan tổ chức đoàn thể huyện, xã tích cực phối hợp, tuyên truyền sâu rộng thực hiện phương án, tập trung hiệu quả ngay từ năm đầu tiên. Cùng với đó, ra văn bản chỉ đạo kiểm tra, giám sát, cấm khai thác, vận chuyển chè cổ thụ ra khỏi địa bàn, trường hợp phát hiện hành vi chặt hạ, khai thác sẽ bị xử lý theo quy định”.

Điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng đã ban tặng cho Bằng Phúc những gốc chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, đây là một trong những tài sản giá trị cần được bảo tồn, gìn giữ. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, trong tương lai, cây chè Shan tuyết cổ thụ và sản phẩm từ chè tuyết sẽ trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch của địa phương.../.

địa phương

Xem thêm