Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn: Quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Đến thời điểm hiện tại khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn có 9 nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là điểm sáng về phát triển công nghiệp của tỉnh, nơi các nhà đầu tư đang hoạt động ổn định, hiệu quả.
Hầu hết các sản phẩm từ gỗ của các đơn vị sản xuất tại KCN Thanh Bình đều phục vụ xuất khẩu.

Hầu hết các sản phẩm từ gỗ của các đơn vị sản xuất tại KCN Thanh Bình đều phục vụ xuất khẩu.

Trong năm 2023, kết quả sản xuất kinh doanh trong Khu công nghiệp dự ước đạt khá. Sản lượng gỗ dán đạt hơn 32.000m3; ván sàn 120.000m2; thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải hơn 1.200 tấn; bột đá thạch anh 9.000 tấn; chiết nạp gas 700 tấn; đồ gỗ dùng một lần (dao, thìa, dĩa gỗ) đạt 15 triệu sản phẩm. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt hơn 438 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hơn 9 triệu đô la Mỹ. Tổng số lao động trong KCN hiện khoảng 700 người, lương bình quân từ 6 đến 7 triệu đồng/người/ tháng.

Để có những kết quả nêu trên phải kể đến vai trò tích cực của Ban Quản lý các KCN tỉnh. Chia sẻ về giải pháp giúp các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển, ông Hoàng Văn Khởi, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Việc tỉnh mở cửa "trải thảm đỏ", quan tâm chính sách, cơ chế, hạ tầng... là điểm nhấn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nắm bắt thực tế và nhu cầu của các nhà đầu tư, trong thời gian qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã đề ra những giải pháp thiết thực. Một trong số đó là giải pháp tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp hằng quý để họp bàn, nắm tình hình, chia sẻ thông tin, nhu cầu và phối hợp giải quyết.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu càng lớn thì số lượng hoàn thuế cũng tăng theo, các đơn vị sản xuất mong muốn Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn sớm giải quyết các chính sách theo quy định.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu càng lớn thì số lượng hoàn thuế cũng tăng theo, các đơn vị sản xuất mong muốn Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn sớm giải quyết các chính sách theo quy định.

Ban Quản lý các KCN thành lập đoàn công tác có sự tham dự của các đơn vị sản xuất, đến làm việc với phòng, ban chuyên môn của các huyện để trao đổi thông tin, khảo sát vùng nguyên liệu. Đối với lâm nghiệp, đoàn sẽ nắm diện tích rừng sản xuất hiện có của các địa phương, loại gỗ rừng trồng, tuổi rừng trồng, từ đó tính toán chu kỳ khai thác. Cung cấp thông tin hiện trạng rừng trồng cho các đơn vị sản xuất, chế biến trong KCN tiếp cận, xây dựng kế hoạch sản xuất thu mua nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng tốt nhất.

Nhằm giúp các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, chế biến ổn định và phát triển, Ban Quản lý các KCN đề xuất tỉnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, cùng các thiết chế văn hóa trên diện tích đất đã được quy hoạch. Nếu được đầu tư, đây sẽ là điều kiện quan trọng giúp người lao động ổn định điều kiện ăn ở, thu hút lao động có tay nghề, mời gọi những lao động đang làm việc tại các KCN ngoài tỉnh trở về làm việc tại địa phương. Việc thu hút lao động giúp các nhà đầu tư ổn định lực lượng, yên tâm đầu tư sản xuất. Không chỉ thế hàng ngàn lao động làm việc trong tỉnh sẽ giúp kích thích cung cầu, số tiền lương được tuần hoàn luân chuyển quay vòng cho nhiều dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh nhỏ phát triển...

Để KCN phát triển và thu hút được nhiều nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh kiến nghị tỉnh cũng như cơ quan thuế sớm có giải pháp, giải quyết kịp thời việc hoàn thuế cho các nhà đầu tư trong khu công nghiệp thuộc diện được hoàn thuế. Qua đó giúp nhà đầu tư đảm bảo nguồn tài chính ổn định để quay vòng kịp thời, sản xuất kinh doanh hiệu quả./.

Xem thêm