Bản người Dao lưu giữ nghề đan lát truyền thống

Thôn Khuổi Khỉ, xã Xuân La là nơi sinh sống tập trung của đồng bào Dao Đỏ. Đây là một trong số ít thôn người Dao của huyện Pác Nặm còn lưu giữ được nghề trúc đan truyền thống.

-	Người Dao đỏ ở thôn Khuổi Khỉ, xã Xuân La (Pác Nặm) duy trì nghề đan lát truyền thống.
Người Dao Đỏ ở thôn Khuổi Khỉ, xã Xuân La (Pác Nặm) duy trì nghề đan lát truyền thống.

Tới thôn Khuổi Khỉ, tận mắt nhìn thấy nhiều gia đình đồng bào Dao Đỏ nơi đây vẫn còn gìn giữ nghề đan lát truyền thống. Họ đều sắm hoặc tự đan cho mình một vài vật dụng từ cây trúc sào. Theo quan niệm của người Dao, đan lát là việc của đàn ông. Từ lúc còn trẻ, được những người già trong thôn chỉ dạy và mày mò học theo nên các vật dụng từ đơn giản đến phức tạp ông Triệu Văn Vàng đều biết đan và thực hiện một cách thuần thục. Ngồi trước hiên nhà, tay vừa cầm dao tỉ mẩn chẻ nan, vót lạt, ông vừa chia sẻ: "Để làm ra các sản phẩm đan lát truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, chẻ sợi, phơi khô đến đan. Nguyên liệu là yếu tố quyết định, chọn cây trúc không được quá già hoặc quá non, gãy ngọn; nan dễ bị giòn, dễ gãy hoặc bị teo lại. Người thợ phải biết vót nan, chuốt nan sao cho có độ mềm, nhẵn, đều nhau để khi đan các nan khít vào nhau, không tạo khe hở thì sản phẩm mới bền, đẹp. Kỹ thuật đan lát không khó nhưng đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ và chịu khó. Ai không kiên trì, khó làm được và khó gắn bó được với nghề".

Chỉ vào những chiếc gùi, cái sọt đã đan xong để gọn ở góc nhà, ông Vàng giới thiệu: Gùi, sọt là vật dụng rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Dao Đỏ, nhất là trong mùa thu hoạch lúa, ngô. Gùi, sọt thường được tôi đan theo 2 kích cỡ và kiểu dáng, một loại to và một loại nhỏ, dùng để đi nương rẫy thì đan to và thưa hơn, dùng để đựng ngô, thóc, hạt giống... thì đan dày hơn. Tôi cũng làm những chiếc giỏ để đựng đồ cúng trong dịp có đám giỗ, đám hỏi thì sẽ đan công phu hơn, thêm nhiều họa tiết hoa văn truyền thống của dân tộc.

Kế bên nhà ông Vàng là nhà ông Triệu Sào Quý- một trong những người cao tuổi ở thôn Khuổi Khỉ còn giữ nghề trúc đan. Đôi bàn tay đã lấm tấm đồi mồi nhưng vẫn thoăn thoắt gắn kết những chiếc nan trúc, nan tre thành nong, nia, dần, sàng, tấm cót phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Ông Quý cho biết: "Để hoàn thiện một sản phẩm đan lát bền đẹp mất ít nhất 1 - 3 ngày. Khi sản phẩm làm xong, nếu chưa sử dụng thì được treo lên gác bếp hun khói. Khói bếp làm cho sản phẩm ngả sang màu nâu đậm, vàng mật, giúp đồ vật bền hơn, tránh mối mọt, sử dụng được nhiều năm".

Sản phẩm đan lát từ cây trúc sào như: Gùi, nong, nia, thúng, sọt, rổ rá, cót phơi thóc, giỏ đựng đồ cúng, dụng cụ đánh bắt cá... đều rất tinh tế, và bền đẹp, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhiều vật dụng đan lát được người tiêu dùng ưa chuộng tìm mua trong mỗi dịp chợ phiên. Tùy theo kích thước lớn nhỏ và sự kỳ công tạo ra từng sản phẩm, giá cả dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/sản phẩm.

Dù mang lại giá trị về vật chất và tinh thần, song những năm gần đây, nghề đan lát của đồng bào Dao Đỏ đang đứng trước nguy cơ bị mai một do phải cạnh tranh với các đồ dùng bằng nhựa, vừa đa dạng lại có giá thành rẻ hơn. Những người đan lát giỏi hiện chủ yếu là người lớn tuổi, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề đan lát truyền thống. Người thợ có niềm đam mê, tâm huyết với các sản phẩm đan lát như ông Vàng, ông Quý rất mong nghề này có thể truyền nối cho thế hệ mai sau: "Nếu có người hỏi tới, muốn học cách đan, chúng tôi vẫn sẵn sàng chỉ dạy"- ông Vàng bày tỏ.

Thực tế, nếu có chuỗi liên kết, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã đan lát các sản phẩm bằng trúc tiện lợi, gọn, dễ sử dụng không chỉ giúp đồng bào người Dao Đỏ bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, tạo chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm thân thiện với môi trường./.

Thanh Hảo

Xem thêm