Bàn giao quản lý di tích lịch sử cấp tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn vừa phối hợp với UBND huyện Chợ Mới tổ chức công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích hồ Tân Minh (xã Thanh Vận) và Di tích Pác San 2 (thị trấn Đồng Tâm) giao cho địa phương quản lý, bảo vệ.
Chính quyền thị trấn Đồng Tâm đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Pác San 2.

Chính quyền thị trấn Đồng Tâm đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Pác San 2.

Di tích lịch sử Pác San 2 - là địa điểm Cục Quân giới đóng ở và làm việc từ năm 1947-1954. Sau Cách mạng Tháng Tám, để xây dựng cơ sở quốc phòng sản xuất vũ khí chuẩn bị kháng chiến lâu dài, cuối năm 1946, Trung ương Đảng quyết định cuộc tổng di chuyển vật chất kỹ thuật lên căn cứ Việt Bắc để phục vụ kháng chiến.

Để đảm bảo vũ khí phục vụ cho kháng chiến, Cục Quân giới Bộ Quốc phòng đã chọn một số địa điểm tại phía Nam huyện Bạch Thông (nay là huyện Chợ Mới) để đóng quân như: Xưởng quân giới A1, A2, A3, C6; C2... Năm 1947 đến năm 1954 phân xưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Ban Công đoàn Quốc phòng) ra đời tại đây; từ năm 1949-1954, được di chuyển lên Chợ Mới, Bắc Kạn gồm 05 xưởng: C1, C2, C3, C4, C5 đặt dọc theo Quốc lộ 3. Cục Quân giới phân xưởng đã quyết định chọn địa điểm Pác San 2, xã Yên Đĩnh (nay là thị trấn Đồng Tâm), lập nhà xưởng chỉ đạo công tác nghiên cứu, sản xuất, cung cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang phục vụ chiến đấu.

Chính quyền xã Thanh Vận đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử hồ Tân Minh.

Chính quyền xã Thanh Vận đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử hồ Tân Minh.

Di tích lịch sử hồ Tân Minh, xã Thanh Vận (Chợ Mới) là công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Bạch Thông (cũ) khi miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 10/10/1967, công trình hồ Tân Minh được khởi công xây dựng. Để phục vụ quá trình thi công, Đội thủy lợi 202 được thành lập. Đến tháng 01/1968 công trường được cấp trên tăng cường Đại đội thanh niên xung phong 933, thuộc Tổng đội 92 thanh niên xung phong Bắc Thái cùng phối hợp thi công. Tính đến lúc này trên công trường có gần 200 nhân công thi đua sản xuất, phấn đấu hoàn thành trước kế hoạch.

Tuy nhiên trong quá trình thi công, thời tiết bất lợi, mưa nhiều kéo dài. Đêm 09/8/1968, thân đập bất ngờ bị vỡ, đã cuốn trôi toàn bộ lán trại, lương thực, thực phẩm và 13 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 933. Sau 2 ngày thi thể của họ mới tìm thấy đầy đủ, được đồng đội và Nhân dân địa phương tổ chức truy điệu trọng thể. Các chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ mới 18, đôi mươi. Sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong là dấu ấn hào hùng, vẻ vang về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta.

Sau buổi bàn giao, lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ..../.

Lý Dũng

Xem thêm