Bàn giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiều 30/8, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2, kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì điểm cầu trung ương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 03 - 04 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Hội nghị nghe cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày báo cáo về những chuyên đề như: Thực trạng tình hình phát triển kinh tế số và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; công bố tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của 63 địa phương; giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số; thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực…

Sau khi thảo luận, phiên họp chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thúc đẩy kinh tế số thời gian qua, đồng thời nêu một số nội dung, giải pháp như: Không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam được xác định là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; logistics và dệt may. Kinh tế số là vấn đề mới và do vậy, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy; trong đó cần dùng chung dữ liệu để tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới. Đề xuất cách tiếp cận hợp tác giữa 04 bên, để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, gồm bộ chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp và địa phương…

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với Bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số, giám sát góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh. Tiếp tục thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh. Đề xuất mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu lớn vùng và một Trung tâm chuyển đổi số vùng...

Những nội dung này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong những tháng cuối năm 2023 nói riêng./.

Xem thêm