Bản Dao Phiêng Kham hăng hái mở đường

                                                                        Ghi chép: Hà Thanh

                                                                        Ghi chép: Hà Thanh

 Nằm bên bờ sông Cầu, Bản người Dao Phiêng Kham, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) từ lâu được nhắc đến là một điển hình trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đời sống được nâng cao, tư duy và nhận thức của người dân cũng đổi thay rõ nét, không chỉ có ý chí vươn lên thoát nghèo, mà hơn một trăm hộ dân nơi dây còn có những đóp góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong đó có phong trào làm đường giao thông…

Mở đường vào bản.

Phiêng Kham có 109 hộ người Dao sinh sống đoàn kết, quây quần bên nhau từ hàng chục năm nay. Với sự nhạy bén, mạnh dạn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nên đời sống của hầu hết các hộ dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn mới đang khởi sắc từng ngày.

Cuối tháng 9, đến với bản người Dao Phiêng Kham vào đúng dịp bà con nhân dân đang ra quân mở hơn 600m đường giao thông. Vừa đặt chân đến đầu thôn, chúng tôi cảm nhận ngay được khí thế lao động hăng say của bà con. Hàng chục người đang hăng hái lao động, tay cuốc, tay xẻng, cặt cây mở đường, tiếng nói tiếng cười rộn rã, ai nấy cũng đều vui mừng vì đã đóng góp một phần công sức vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nhân dân thôn Phiêng Kham hăng hái mở đường vào bản.
Nhân dân thôn Phiêng Kham hăng hái mở đường vào bản.

 Bà Triệu Thị Hiền, một người dân phấn khởi cho biết: “Hôm nay được tham gia đóng góp ngày công cùng bà con mở đường nội thôn tôi rất vui, thấy nhà nào cũng đồng tình ủng hộ cao nên gia đình tôi cũng hiến đất. Trước đây con đường này vốn chỉ là bờ ruộng vừa nhỏ lại hẹp, lầy lội khó đi vì vậy giờ mở đường rộng hơn, lại đổ bê tông sẽ giúp cho việc sinh hoạt, thông thương dễ dàng, bộ mặt nông thôn cũng khang trang, sạch sẽ hơn.

Mục sở thị tại “công trường” đang thi công của bà con, chúng tôi thấy nhiều gốc cây to đã được chặt bỏ, bụi rậm đã phát quang, chỉ trong thời gian ngắn của buổi sáng đoạn đường dài hơn 400m đã được mở rộng, san bằng phẳng để chuẩn bị cho công đoạn đổ bê tông.

Nhờ có sự đồng thuận cao nên có nhiều gia đình ở Phiêng Kham hiến hàng chục cây ăn quả lâu năm, hiến hàng trăm mét vuông đất, rỡ bỏ chuồng trại, hàng rào để tạo điều kiện cho tuyến đường nội thôn sớm được hoàn thành. Trưởng thôn Triệu Phúc Tiến hăm hở dẫn chúng tôi đến nhà ông Bàn Hữu An hộ điển hình trong việc hiến đất làm đường giao thông nội thôn, đó là một ngôi nhà nhỏ nằm trên triền dốc, hôm nay một số thành viên trong gia đình ông cũng đi làm đường. Ông An chia sẻ: Do nhận thức được xây dựng đường giao thông nông thôn là phục vụ lợi ích cho chính người dân trong bản nên khi con đường được mở qua phần đất ở thì gia đình đã tự nguyện hiến 105m đất để cùng với bà con mở rộng đường, thấy bà con ra quân hừng hực khí thế bản thân ông cũng thấy vui lây.

Trưởng thôn Phiêng Kham mở cuốn sổ ghi ghép rồi cho biết thêm: Đợt này nhân dân trong bản đóng góp ngày công lao động, vật liệu, cốt pha, góp tiền để mua cống, 12 hộ dân hiến hơn 500m đất ở, đất ruộng, dỡ chuồng trại và chặt bỏ hơn 30 cây ăn quả lâu năm gồm nhãn, mít, ổi tạo mặt bằng để bà con mở đường, bảo đảm cho công trình được hoàn thành đúng tiến độ.

Được biết, thời gian qua cùng với tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước, thôn Phiêng Kham còn phát huy nguồn lực trong nhân dân để làm đường giao thông nội thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hai năm qua thôn Phiêng Kham đã bê tông hóa được 03 tuyến đường nội thôn, mở đường vào khu sản xuất qua đó tạo nên bộ mặt nông thôn khang trang sạch đẹp, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

 Đồng chí Triệu Phúc Tiến, Trưởng thôn cho biết: Để thực hiện có hiệu quả phong trào, ngay từ đầu năm thôn đã đề ra chủ trương bê tông hóa tuyến đường trục thôn, trên cơ sở đó tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ và các đoàn thể. Bà con nhân dân được tham gia bàn bạc đóng góp ý kiến một cách dân chủ, thống nhất cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn. Với chủ trương đúng đắn cộng với nhận thức được nâng lên nhiều hộ gia đình đã hưởng ứng tích cực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Toàn thôn phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ bê tông hóa toàn bộ đường làng, ngõ xóm sớm hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn.

Có đường, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Lợi ích từ những con đường được mở mới ở Phiêng Kham đã được thể hiện rõ rệt. Thay vì phải đi bộ men theo khe, bờ ruộng như trước thì nay bà con  có thể chạy xe vào tận cổng nhà, việc đi lại, vận chuyển nông sản cũng dễ dàng, thuận tiện hơn.

 Nằm dọc bờ sông Cầu, Phiêng Kham có lợi thế để phát triển kinh tế khi đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới tiêu thuận lợi, các cây trồng có giá trị kinh tế được phát triển hiệu quả từ nhiều năm nay đó là gừng, chuối tây, chít, khoai môn. Theo thống kê, Phiêng Kham có khoảng 4ha gừng, hơn 20ha chuối tây, 6ha cây khoai môn, vào vụ thu hoạch hàng chục tấn gừng, chuối, khoai môn được vận chuyển tập kết tại bản để bán cho tư thương. Nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả như trồng cây khoai môn của hộ ông Hoàng Thông Thanh, Bàn Hữu Chung với thu nhập bình quân từ 20 đến 40 triệu đồng/vụ. Ông Bàn Hữu Tài với mô hình trồng cây chuối tây bằng giống nuôi cấy mô với quy mô gần 1.000 cây, thu nhập hàng chục triệu đồng…

 Vì vậy việc các tuyến đường nội thôn, đường vào khu kinh tế được mở rộng đã giúp ích rất nhiều cho việc vận chuyển nông sản, giao thương với khu trung tâm thuận lợi, thúc đẩy kinh tế của thôn phát triển. Có đường giao thông, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc nông nghiệp, mở rộng sản xuất, ở Phiêng Kham ngày càng “mọc” lên nhiều ngôi nhà cao tầng được xây mới khang trang, rộng rãi, hiện nay thôn chỉ còn 8/109 hộ nghèo.

Đồng chí Đặng Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh cho biết: Phiêng Kham là thôn năng động nhất trong phát triển kinh tế, xã hội và đi đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của toàn xã. Đó là nhờ vào sự đoàn kết, đồng thuận cao của lòng dân với ước nguyện vươn lên thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. Đây là mô hình rất đáng nhân rộng để các thôn khác học tập và làm theo tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn xã góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

                                                                                        Hà Thanh

Xem thêm