QUYẾT SÁCH MỞ ĐƯỜNG CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA BẮC KẠN:

Bài cuối - Cần thêm cơ chế, chính sách đủ mạnh cho nông nghiệp hàng hóa “cất cánh”

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Với bệ đỡ là các nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, trong 6 năm qua, nền nông nghiệp của Bắc Kạn đã có bước chuyển căn bản. Song, để có sự bứt phá mạnh mẽ, tỉnh cần nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách mang tính “thúc đẩy” và “dẫn dắt” trong thời gian tới.

Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi, Bắc Kạn có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu có thể phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Nhưng nếu chọn cùng lúc nhiều loại vật nuôi, cây trồng để hỗ trợ phát triển sẽ dẫn đến dàn trải, phân tán nguồn lực.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mỹ Hải cho biết: “Quan điểm của ngành là không “dàn hàng ngang” cùng tiến mà phải lựa chọn những cây trồng, vật nuôi thật sự có lợi thế để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm thành vùng sản xuất lớn. Ngay cả những nông sản có tiếng của tỉnh như miến dong, hồng không hạt, cam sành, quýt Quang Thuận vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Các HTX, tổ hợp tác, nông hộ cần sự đồng hành của cấp, ngành chức năng với sự đột phá về chính sách hỗ trợ”.

Vùng nguyên liệu dong riềng phục vụ sản xuất miến dong.

Vùng nguyên liệu dong riềng phục vụ sản xuất miến dong.

Mặc dù có sự chuyển biến đáng kể nhưng giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp những năm qua chủ yếu dựa vào việc tăng diện tích canh tác mà chưa phát huy được các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu. Phát triển chế biến và sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có định hướng thị trường, phát huy giá trị thương hiệu còn thấp. Mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu gắn kết lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau, chưa xây dựng được chuỗi sản xuất theo nhóm sản phẩm. Đây chính là những yếu kém cố hữu khiến ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn chưa thể “cất cánh”.

Dù được coi là “cánh chim đầu đàn” của tỉnh về sản phẩm OCOP nhưng chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan (Côn Minh, Na Rì) bằng lòng với những gì mình có. Dự kiến, HTX Tài Hoan sẽ đầu tư trang thiết bị nhằm nâng công suất sản xuất miến, làm miến ăn liền.

Trong phát triển kinh tế hàng hóa nông nghiệp, vai trò của các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp là rất quan trọng. Không chỉ là trụ đỡ tạo mối liên kết trong sản xuất, thông qua các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác việc triển khai chính sách hỗ trợ đến người dân thuận lợi và hiệu quả hơn. Thế nhưng, số doanh nghiệp của Bắc Kạn hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, quy mô cũng nhỏ bé.

Vì thế, tỉnh cần tiếp tục có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện có phát triển một cách bền vững. Nếu không có những doanh nghiệp, HTX lớn mạnh, xây dựng các chuỗi liên kết liên vùng để tạo ra khu vực sản xuất lớn quy mô hàng nghìn héc-ta thì nông nghiệp hàng hóa của tỉnh khó đạt như kỳ vọng.

Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn trao đổi về định hướng của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Một nhiệm vụ trọng yếu mà ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã và đang dốc sức thực hiện là Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, tỉnh xác định chuyển dịch cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp đến năm 2025 lấy lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu là trọng tâm của Đề án. Đây cũng là 02 nhóm sản phẩm chủ lực địa phương được Bắc Kạn lựa chọn tham gia vào ngành hàng chủ lực của quốc gia theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Ngày 30/11/2023, tỉnh Bắc Kạn công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh định hướng xây dựng tỉnh Bắc Kạn theo hướng phát triển nhanh gắn với tăng trưởng xanh, bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, Quy hoạch định hướng ngành kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh sẽ được phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế nông nghiệp gắn với việc hình thành, phát triển các chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết nội tỉnh, nội vùng, giữa các vùng, quốc gia và quốc tế…

Xác định rõ yếu tố có thể tạo đột phá cho nông nghiệp Bắc Kạn là trồng rừng, nhưng đến thời điểm này, việc phát huy tiềm năng, thế mạnh từ nguồn tài nguyên này vẫn đang là điểm nghẽn cần được khơi thông. Thực tế hiện nay Bắc Kạn là tỉnh đứng đầu cả nước về độ che phủ rừng, với tỷ lệ 73,35%. Sống giữa “kho vàng” với tổng diện tích rừng trồng hiện có 100.000ha, đây là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết về một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế rừng, đem lại lợi ích thiết thực với người dân trên địa bàn tỉnh, như: Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương xem xét nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, điều chỉnh, nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đối với tiêu chí tỷ lệ che phủ rừng; giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng với một diện tích phù hợp, chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng tự nhiên có trữ lượng thấp để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn...

Cả 03 nghị quyết (Nghị quyết 08/2017/NQ-HĐND, Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND) của HĐND tỉnh Bắc Kạn đều nhìn nhận kinh tế rừng và dược liệu là mảng lợi thế còn nhiều dư địa và giàu tiềm năng. Điều này cho thấy cần sớm có cơ chế, chính sách đủ mạnh để ngành Nông nghiệp của tỉnh có sức bật mạnh mẽ.

Sản xuất, chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới).

Sản xuất, chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới).

Theo đó, bên cạnh bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng, các chính sách, chủ trương của tỉnh trong giai đoạn mới cần hướng đến việc tạo cơ chế đặc thù khuyến khích gắn với môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là 02 ngành hàng chủ lực của Bắc Kạn là chế biến gỗ và dược liệu; chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thông qua việc tăng cường kết nối giữa các địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng... Hơn lúc nào hết, nền nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đang rất cần những cú hích mạnh từ các chính sách để khai phóng tiềm năng, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững./. (Hết)

Xem thêm