Phát triển bền vững vùng quýt Bạch Thông

Bài 2: Trăn trở từ vùng quýt

Mặc dù đã vào chính vụ nhưng vựa quýt Bạch Thông vắng lặng khác thường. Thưa người bán mà cũng ít tư thương và khách tìm mua.

Mất mùa nên năm nay sản lượng quýt của Bạch Thông giảm khoảng 30%.
Mất mùa nên năm nay sản lượng quýt của Bạch Thông giảm khoảng 30%.

Vùng quýt vắng lặng

Chủ tịch UBND xã Quang Thuận Nông Văn Bình chia sẻ: "Tầm này những năm trước dọc Quốc lộ 3B đoạn qua địa bàn xã có 5 - 7 điểm "chợ" tấp nập người mua, kẻ bán, có những năm xã phải phối hợp bảo đảm an toàn giao thông cho người dân bán quýt. Ấy vậy mà năm nay đã giữa vụ quýt các "chợ" tự phát vẫn đìu hiu, thỉnh thoảng mới có vài ba tư thương đến các điểm tập kết để thu mua, nhưng số lượng cũng không nhiều".

"10 năm thu mua quýt bán xuống Hà Nội nhưng chưa năm nào tôi thấy ít quýt như năm nay. Như năm trước, các nhà vườn chen nhau vào bán quýt, mỗi ngày thu mua đến 5 - 7 tấn, còn năm nay số lượng giảm một nửa. Muốn có đủ quýt cung ứng cho đầu mối ở Hà Nội tôi phải đánh xe đi nhiều nhà vườn thu mua, giá cao hơn năm trước 1.000 - 2.000 đồng/kg"- Anh Phạm Ngọc Hà, tư thương thành phố Bắc Kạn chia sẻ.

Câu chuyện thật mà như đùa được ông Vũ Tất Hoàn- Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Cò, xã Dương Phong kể lại: "Năm nào cũng vậy, cứ mùa quýt chín tôi lại gửi xuống cho con vài chục cân làm quà cho các bạn. Nhưng năm nay vườn quýt trống trơn đành phải qua hàng xóm mua để gửi xuống cho con làm quà, vừa thấy ngại, vừa buồn".

"Năm nay chị thu hoạch ra sao?". "Có quả đâu mà thu hoạch hả các chú, đầu vụ quả non rụng gần hết rồi"- Chị Bàn Thị Tiên, người dân xã Đôn Phong buồn rầu trả lời.

Theo đánh giá của các địa phương Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong thì vụ quýt năm nay sản lượng chỉ bằng 60 - 70% so với năm trước. Nguyên nhân do thời điểm quýt đậu quả non gặp mưa nhiều khiến nhiều nhà vườn thất thu. Nhưng một nguyên nhân sâu xa khác là nhiều vườn quýt đã cuối chu kỳ sinh trưởng với tuổi đời từ 15 - 20 năm, già cỗi lại ít được chăm sóc khiến sức chống chịu với thời tiết, sâu bệnh kém hơn, tỷ lệ đậu quả và chất lượng quả cũng giảm sút.

Nguy cơ mai một

Khuổi Cò là một trong những thôn trồng nhiều quýt của xã Dương Phong với khoảng 80ha. Cây quýt gắn bó với người dân Khuổi Cò vài chục năm nay và mang lại nguồn thu lớn cho bà con. Nhưng khoảng 05 năm nay, nhiều vườn quýt trong thôn bị già cỗi, thoái hóa, cho quả ít. Năm nay chỉ vài hộ được mùa, còn đa số giảm năng suất hoặc mất trắng. Năm ngoái mặc dù giá bán thấp nhưng ông Đoàn Trung Cấp vẫn còn thu được vài trăm triệu đồng từ quýt, năm nay chỉ được vài thồ. Còn nhà ông Phạm Văn Trực, Bàn Văn Thủy từng thu nhập 200 - 300 triệu mỗi năm, nhưng quýt chết, tái canh cũng không được nên đành bỏ vườn đi làm thuê. Hiện nay, có đến 60 - 70% vườn quýt ở Khuổi Cò đã thoái hóa, già cỗi, người dân trong thôn trồng cây mỡ, quế thay thế.

Giống quýt bản địa của Bạch Thông đứng trước nguy cơ mai một.
Giống quýt bản địa của Bạch Thông đứng trước nguy cơ mai một.

"Cứ đà này vài ba năm nữa cây quýt coi như xóa sổ ở Khuổi Cò. Quýt không còn, cây trồng thay thế chưa cho thu hoạch, người dân trong thôn sẽ rất khó khăn tìm kế mưu sinh, chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao chắc chắn cũng gặp khó khăn"- Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Cò Vũ Tất Hoàn trăn trở.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Dương Phong, toàn xã hiện có 600ha quýt thì 1/3 trong số đó đã già cỗi cho năng suất thấp. "Nếu không có giải pháp triệt để thì loại cây trồng thế mạnh này của địa phương sẽ sớm đi vào thoái trào"- Chủ tịch UBND xã Dương Phong Bế Xuân Trường lo lắng.

Là chuyên gia về cây có múi, lăn lộn khắp các vùng cam, quýt của miền núi phía Bắc nên Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiệp (công tác tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) hiểu rất rõ về quýt Bắc Kạn. Ông cho rằng: "Quýt Bắc Kạn (quýt Quang Thuận) là vùng còn duy trì và có thể phát triển được so với các vùng quýt đã từng nổi tiếng của miền Bắc. Tuy nhiên, qua chuyến đi thực địa mới đây tại vùng trọng điểm quýt của Bạch Thông, chúng tôi nhận thấy những vườn có tuổi đời từ 15 - 20 năm đã vào chu kỳ cuối phát triển, trong khi đó sức tái canh những vườn mới chưa được như mong muốn, kỹ thuật canh tác của người dân nhiều vùng chưa đạt yêu cầu. Điều này đặt ra những cảnh báo sớm về tính bền vững của vùng trồng quýt Quang Thuận của huyện Bạch Thông nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. Thực tế một số vùng cam, quýt của miền Bắc như: Quýt Bắc Sơn (Lạng Sơn), cam Bố Hạ (Bắc Giang) là những thương hiệu nổi tiếng nhưng đến nay gần như đã mai một. Đây là bài học nhãn tiền cho quýt Bắc Kạn, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời ngay từ bây giờ, từ 8ha ban đầu phát triển lên 3.000ha như hiện nay, nhưng có thể tương lai khó giữ được"./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm