Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bắc Kạn

Bài 2: Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Mặc dù Bắc Kạn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuy nhiên quá trình thực hiện nảy sinh nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.

Bài 2: Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng ảnh 1
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang trồng cây nho Hạ đen ở xã Thanh Thịnh (Chợ Mới).

Trong quá trình chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, chính quyền các cấp đã tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Cây lúa, ngô vẫn chiếm diện tích lớn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Tinh thần mạnh dạn chuyển đổi trong Nhân dân chưa cao, nhiều loại cây trồng đơn giản như dưa chuột, gừng... đơn vị thu mua vẫn phải liên kết với nông dân ở ngoài tỉnh. Tư duy sản xuất của một bộ phận người dân chậm đổi mới; diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, không đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu theo yêu cầu của nhà đầu tư liên kết, gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá.

Mặc dù các nhà đầu tư đã đồng hành cùng người dân, hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nhưng việc tuân thủ quy trình kỹ thuật của người dân rất hạn chế, cách làm đôi khi tùy tiện, khiến sản phẩm nhiều khi không đạt chất lượng.

Việc thâm canh chăm sóc cây trồng người dân đã áp dụng kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên, mức độ đầu tư chưa đồng đều, bón phân không hợp lý, không đúng thời kỳ sinh trưởng của cây, ít sử dụng phân hữu cơ. Nhiều diện tích năng suất, chất lượng còn thấp do người dân chưa chú trọng chăm sóc, bón phân, vệ sinh đồng ruộng và quản lý sâu bệnh hại. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom, xử lý đúng quy định vẫn còn xảy ra. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, thiếu ổn định, chưa khuyến khích người dân đầu tư cho sản xuất. Việc sản xuất theo chuỗi vẫn còn ở diện hẹp, manh mún…

Từ thực trạng trên, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó tăng cường tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân nắm được các chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết để tăng hiệu quả sản xuất cũng như tiếp cận các nguồn lực. Lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ưu tiên các giống có năng suất, chất lượng. Chú trọng chuyển giao các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thiên tai... Tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, luân canh, xen canh... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường. Vận dụng tốt các chính sách của Trung ương, địa phương để hỗ trợ trực tiếp cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngô, đất canh tác một vụ sang trồng các cây trồng khác gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thành công và bền vững cần tìm được đầu ra cho sản phẩm, liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất. Tổ chức liên kết giữa nông dân với nông dân để xây dựng vùng hàng hoá; liên kết nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thu mua tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa nông dân với các nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ khoa học mới cho hiệu quả kinh tế cao. Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ông Hà Sĩ Huân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thời gian qua, Bắc Kạn đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao so với trồng lúa, ngô truyền thống như bí xanh thơm, dưa chuột, củ gừng, nghệ…Trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vốn đầu tư cho nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa; chú trọng liên kết “4 nhà” nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi ổn định, bền vững./. (Hết)

Phan Quý

Xem thêm