Đưa nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa vào cuộc sống

Bài 2: Duy trì, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa

Nghị quyết phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường khi đi vào cuộc sống đã tác động tích cực, tạo chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thổi luồng gió mới giúp nâng cao tư duy sản xuất của người dân huyện Na Rì.

ảnh: Lãnh đạo huyện Na Rì kiểm tra việc thực hiện trồng cây thạch đen đang triển khai các thủ tục để liên kết hợp đồng tiêu thụ sang Trung Quốc trong năm 2022
Lãnh đạo huyện Na Rì kiểm tra việc trồng cây thạch đen theo liên kết hợp đồng tiêu thụ năm 2022.

Thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025

Năm 2022, huyện Na Rì tiếp tục duy trì 22 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3, 4, 5 sao. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước như: Gà thả đồi, lợn đen, lạp sườn, cam Đường Canh, cam Xã Đoài… Riêng sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan tiếp tục duy trì xuất khẩu qua thị trường châu Âu. Doanh thu bình quân từ các sản phẩm OCOP trong toàn huyện ước đạt 11 tỷ đồng/năm; các cơ sở, HTX thực hiện ổn định việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho hơn 1.500 hộ dân trên địa bàn; giải quyết việc làm trực tiếp cho hàng trăm lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Na Rì đề ra những mục tiêu như: Tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu; khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm và đăng ký với các thị trường xuất khẩu; ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; coi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp là khâu “đột phá” để phát triển nhanh ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn…

Đồng chí Hoàng Văn Thiên- Bí thư Huyện ủy Na Rì cho biết: Năm 2022, ngoài việc tiếp tục duy trì sản phẩm miến dong Tài Hoan xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, huyện sẽ tạo đột phá cho sản phẩm cây thạch đen xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay huyện đã được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp mã số vùng trồng tại xã Văn Vũ và đang hoàn thiện các thủ tục hợp đồng với nước bạn.

Những giải pháp, chính sách áp dụng

Miến tráng tay là sản phẩm truyền thống của người dân huyện Na Rì được người tiêu dùng ưa chuộng trong bữa ăn hằng ngày
Miến tráng tay là sản phẩm truyền thống của người dân huyện Na Rì ngày càng được người tiêu dùng ưa thích.

Năm 2022, huyện xác định mục tiêu cụ thể bao gồm: Tiếp tục xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dong riềng một cách bền vững, phát triển vùng nguyên liệu ổn định 300ha/năm (trong đó diện tích chứng nhận hữu cơ/ATTP 200ha), sản lượng củ 23.400 tấn, đáp ứng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm tinh bột, sản phẩm miến dong phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cây cam cấp chứng nhận ATTP khoảng 240ha, VietGap/hữu cơ 20ha; diện tích được cấp mã số vùng trồng 30ha. Hồng không hạt diện tích cấp chứng nhận ATTP 50ha; diện tích được cấp mã số vùng trồng 20ha. Cây dược liệu 200ha... Tổng đàn đại gia súc 10.000 con, sản lượng thịt hơi bình quân mỗi năm 3.000 tấn và có 04 trang trại quy mô vừa và nhỏ; đàn lợn duy trì 20.000 con; số con xuất chuồng bình quân 23.000 con/năm, tương đương với sản lượng thịt lợn hơi khoảng 1.450 tấn/năm, có 06 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Thúc đẩy công nghệ 4.0, nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; áp dụng các tiến bộ quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Áp dụng các chính sách hiện còn hiệu lực để thực hiện những ưu đãi về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích đầu tư mở rộng và tăng cường liên kết sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, chi phí mua giống, vật tư, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; hỗ trợ kinh phí áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho người sản xuất...

Huyện Na Rì cũng đã xây dựng các kế hoạch để thực hiện trong các lĩnh vực phát triển chế biến sản phẩm miến dong, cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025... Tích cực triển khai thực hiện hiệu quả việc cụ thể hóa nghị quyết của tỉnh vào cuộc sống, đưa bộ mặt nông thôn địa phương ngày càng phát triển./. (Hết)

Tùng Vân

Xem thêm