Đưa nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa vào cuộc sống

Bài 1: Linh hoạt, đổi mới tư duy chỉ đạo, sản xuất

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/TU ngày 26/04/2016 của Tỉnh ủy về việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, huyện Na Rì đã có những cách làm linh hoạt, phù hợp với địa phương để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, thực hiện

 Áp dụng KHKT tiên tiến đã đưa sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan xuất khẩu sang Châu Âu (ảnh: Nhân công làm việc tại xưởng chế biến miến dong của HTX Tài Hoan)
 Việc áp dụng KHKT tiên tiến giúp đưa sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan xuất khẩu sang châu Âu.

Với mục tiêu xây dựng sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, nâng mức thu nhập cho người dân, tạo sự chuyển biến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Na Rì đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện, từng bước đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như: Kế hoạch về phát triển vùng nguyên liệu dong riềng giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định về việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện để mở rộng diện tích cây cam Xã Đoài; Kế hoạch về triển khai chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2017 - 2020; Kế hoạch về phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại gắn với tiêu thụ sản phẩm; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020…

Trong đó, huyện xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp trong sản xuất, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập. Để làm được điều đó trước hết phải thay đổi tư duy cho lãnh đạo các cấp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng; tư duy trong triển khai, thực hiện các nghị quyết, đề án, phương án của tỉnh, huyện, xã, đội ngũ cán bộ các cấp và cuối cùng là thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, bằng sức lao động và tiềm năng, lợi thế đất đai của gia đình để nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

Việc chỉ đạo, định hướng có sự thống nhất từ huyện đến xã, thôn, hộ dân và chú trọng việc kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong thực hiện; biết tận dụng, liên kết giữa các hộ, nhóm hộ để tạo ra vùng trồng thành hàng hóa đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thị trường… Các tổ chức kinh tế tập thể, hộ gia đình tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; chất lượng sản phẩm dần nâng lên, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Lựa chọn cây, con chủ lực phù hợp với thị trường

Huyện Na Rì tập trung rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch ngành, lĩnh vực trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường, cụ thể là tái cơ cấu từng lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, các sản phẩm chủ lực như dong riềng, cây ăn quả có múi và các sản phẩm tiềm năng của huyện. Một số cây trồng chính năng suất, hiệu quả kinh tế cao như: Cây dong riềng duy trì 300ha/năm, năng suất bình quân đạt hơn 737tạ/ha, tập trung trồng, chế biến tại các xã: Côn Minh, Trần Phú, Văn Lang, Cư Lễ...; cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi hiện có hơn 800ha diện tích phát triển tại các xã Văn Minh, Kim Lư, Liêm Thủy, thị trấn Yến Lạc...; cây dược liệu có hơn 78ha trồng tại xã Văn Lang, Văn Vũ; Kim Lư...(gồm thạch đen, cà gai leo, xạ đen, giảo cổ lam…), đây là những cây trồng chủ lực được xây dựng để nâng tầm thương hiệu sản phẩm của huyện trong những năm qua. Một số địa phương, doanh nghiệp đã, đang đầu tư phát triển sản xuất theo quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ, công nghệ cao nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

ảnh: Cây ăn quả có múi là một trong những sự lựa chọn loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao của huyện Na Rì những năm trở lại đây
Cây ăn quả có múi là một hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Na Rì.

Toàn huyện đến nay có 36 HTX (trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp 27 HTX; lĩnh vực khác 09 HTX) và 108 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Các HTX phát triển ổn định, một số HTX đã vươn lên tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đầu tư xây dựng sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường như: HTX miến dong Tài Hoan; HTX gà thả đồi, lợn đen Trần Phú; HTX trồng và chế biến dược liệu Bảo Châu; HTX trồng cây ăn quả Khuổi Nằn 2…). Riêng về chế biến miến dong, toàn huyện có 06 HTX, 23 cơ sở chế biến bằng công nghệ máy móc và trên 100 hộ chế biến miến tráng tay truyền thống. Trung bình mỗi năm toàn huyện sản xuất từ 500 - 800 tấn miến dong. Toàn huyện đã xây dựng được 07 sản phẩm miến dong của các HTX và hộ cá thể được công nhận OCOP. Cây ăn quả có 04 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (cam Đường Canh, cam, quýt, bưởi); về cây dược liệu có 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (trà giảo cổ lam và trà cà gai leo). Hiện nay, trên địa bàn đang tiếp tục thực hiện 26 dự án thực hiện theo quy trình sản xuất, chăn nuôi, trong đó có 03 dự án sản xuất miến tráng tay, 01 dự án nuôi cá, 02 dự án nuôi gà và 20 dự án chăn nuôi trâu cái sinh sản.

Đồng chí Nông Văn Nguyên- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: Việc thực hiện nghị quyết của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016-2020 đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện những năm qua. Na Rì tiếp tục duy trì triển khai thực hiện những kết quả đã có được, trong đó tiếp tục chú trọng việc thay đổi tư duy lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với địa phương để thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tiếp theo, cụ thể hóa nghị quyết vào cuộc sống./. (Còn nữa)

Tùng Vân

Xem thêm