Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi

Bài 1: Còn nhiều rào cản trong công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Các công trình thủy lợi có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh, vận hành như thế nào để phát huy hiệu quả các công trình thủy nông đang là vấn đề được các cấp, ngành quan tâm.
Công trình thủy lợi ở xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) do HTX Quyết Tiến quản lý, vận hành.

Công trình thủy lợi ở xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) do HTX Quyết Tiến quản lý, vận hành.

Hiện trạng các công trình thủy lợi

Toàn tỉnh hiện có 2.415 công trình thủy lợi cấp nước cho khoảng 21.000ha lúa/năm, trong đó có 34 hồ chứa, còn lại là công trình đập dâng, kênh dẫn và trạm bơm. Hiện hơn 1.400 công trình đã đầu tư kiên cố hóa, còn lại là 945 công trình tạm.

Qua đánh giá, hệ thống công trình thủy nông cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của toàn tỉnh với diện tích hưởng lợi hơn 75%. Một số hồ chứa lớn như: Hồ Bản Chang, xã Đức Vân (Ngân Sơn); hồ Khuổi Khe, xã Kim Lư (Na Rì) với dung tích trên 1 triệu mét khối nước phục vụ cho gần 100ha diện tích sản xuất nông nghiệp; hồ Nặm Cắt (TP. Bắc Kạn) dung tích 12 triệu mét khối nước đã góp phần vào việc điều hòa nước, phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, trên địa bàn còn một số công trình lâu năm đã xuống cấp, hư hỏng như: Công trình đập Pù Mắt, đập Nà Phầy, xã Chu Hương (Ba Bể) xây từ năm 1984; đập Nà Duồng, đập thủy lợi Tổng Mụ, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn) xây dựng từ 2004; đập kênh Nà Xỏm, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) xây dựng từ năm 2001... Toàn tỉnh thống kê có 52 công trình xuống cấp có nhu cầu sửa chữa.

Tại Điều 26, 27, 28 Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi thì các tổ chức cơ sở thủy lợi phải đáp ứng về các tiêu chí như: Năng lực chuyên môn, bộ máy tổ chức hoạt động, có khả năng thực hiện kế hoạch sản xuất, bảo vệ công trình, cung cấp dịch vụ...

Các công trình thủy lợi hiện đang được tỉnh phân cấp cho 2 đầu mối là Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn quản lý 389 công trình với diện tích tưới tiêu là 5.300ha; các huyện, thành phố quản lý 2.026 công trình quy mô tưới tiêu là trên 6.900ha. Việc phân cấp quản lý này được thực hiện từ năm 2009 từ khi có chính sách cấp bù thủy lợi phí, qua nhiều năm, tỉnh tiếp tục điều chỉnh bổ sung và gần nhất là Quyết định 1043/QĐ-UBND ngày 21/6/2018 của UBND tỉnh về việc phân cấp các công trình thủy lợi cho từng cấp.

Mục đích của phân cấp tại thời điểm đó là nhằm phát huy vai trò của các đơn vị trong quản lý, khai thác và sử dụng, bảo vệ các công trình được giao. Bộ máy hoạt động Công ty có 01 bộ phận văn phòng, 01 xí nghiệp xây lắp, 08 trạm thủy nông. Đối với các huyện, thành phố thành lập được 118 tổ dùng nước gồm các thành viên cấp xã, thôn, giao cán bộ nông, lâm nghiệp xã phụ trách (hình thức kiêm nhiệm). Từ năm 2021-2022 các đơn vị, địa phương bắt đầu chuyển đổi sang hình thức hoạt động mới, chính sách cung cấp sản phẩm công ích thủy lợi cũng có sự thay đổi để phù hợp với quy định hiện hành.

Cần thêm thời gian để củng cố, sắp xếp mô hình mới

Việc phân cấp tại thời điểm trên cơ bản phù hợp theo điều kiện thực tế của các địa phương, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay do thay đổi về cơ chế chính sách và quy định của Luật Thủy lợi, nghị định, thông tư nên một số tiêu chí đến nay không còn phù hợp.

Theo Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ NN&PTNT ban hành thì mô hình tổ dùng nước tại các huyện đã không còn phù hợp. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chuyển sang mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở. Mục đích nhằm trao quyền cho các địa phương quản lý, nhất là đối với các công trình thủy lợi nhỏ, có diện tích tưới tiêu dưới 20ha.

Song khi đi vào thực hiện mô hình đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể như điều kiện năng lực của tổ chức thủy lợi cơ sở, trực tiếp là các HTX, tổ hợp tác vận hành, quản lý chưa đáp ứng được các tiêu chí đưa ra, quá trình thực hiện còn lúng túng… Từ lý do đó, việc chuyển đổi mô hình từ tổ dùng nước sang mô hình tổ chức thủy lợi gặp không ít trở ngại.

Ông Đới Văn Thiều, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn nhận định: “Quan điểm, chủ trương của tỉnh là thời gian tới sẽ phân cấp mạnh cho các địa phương quản lý, khai thác các công trình thủy lợi (trừ các công trình có yếu tố kỹ thuật phức tạp). Song thời điểm hiện tại vẫn còn quá nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ liên quan đến chính sách vận hành, mô hình hoạt động, tổ chức, quản lý… chắc chắn cần phải có thời gian để củng cố, tháo gỡ, sắp xếp lại”.../.

(Còn nữa)

các đơn vị nông nghiệp

Xem thêm