Năm nay, huyện Bạch Thông có kế hoạch trồng 700 ha rừng theo Dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147. Các loại cây trồng chính được triển khai trồng trong năm nay là keo tai tượng và mỡ. Các hộ trồng rừng trên địa bàn đang tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho mùa trồng rừng 2011.
Năm 2011 là năm đầu tiên Dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147 được triển khai trên địa bàn huyện và được giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông phụ trách Dự án, với tổng diện tích tỉnh giao là 700 ha.
Hiện nay đơn vị đã triển khai thiết kế xong tại các xã: Dương Phong, Quang Thuận , Đôn Phong, Mỹ Thanh với tổng diện tích thiết kế được 730 ha, trong đó 200ha trồng Keo lai, 500 ha trồng Mỡ. Theo kế hoạch, công tác trồng rừng của Bạch Thông sẽ được triển khai trong cuối tháng 4 đối với diện tích trồng cây Mỡ và trong tháng 6 đối với diện tích trồng cây keo lai. Dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6.
![]() |
Đoàn viên thanh niên huyện Bạch Thông giúp nông dân xã Phương Linh cuốc hố chuẩn bị trồng rừng.
|
Dự án trồng rừng sản xuất 147 tập trung trồng tại 5 xã: Mỹ Thanh với diện tích trồng 160 ha, Dương Phong: 158 ha, Phương Linh: 190, Đôn Phong: 130 ha, Quang Thuận: 92ha.
Đối với công tác chuẩn bị cây giống: Ban Quản lý Dự án (QLDA) chưa có vườn ươm cây con giống nên để đảm bảo chất lượng cấy giống cho mùa trồng rừng năm 2011, Ban QLDA đã ký hợp đồng cung ứng cây giống với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống Lâm nghiệp tại vườn ươm Nà Ấi, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) và Công ty giống cây trồng vật nuôi tỉnh cung ứng 157 nghìn cây con giống. Trong đó: 32.000 cây keo giống, 125.000 cây mỡ.
Qua kiểm tra, cây giống sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại. Ban QLDA ký giao nhận cây con giống cấp cho người dân tận các xã, các thôn, bản có đường giao thông thuận tiện, cây giống phải đủ tiêu chuẩn bà con mới nhận về trồng. Đối với cây Mỡ nhận giao vào ngày 24/4, cây keo là 8/6.
Tính đến thời điểm này, huyện đã tiến hành thiết kế xong hiện trường, tất cả các xã thuộc Dự án đã tiến hành phát được trên 80% diện tích. Qua kiểm tra các hộ dân tại các xã Đôn Phong, Phương Linh, Mỹ Thanh đang tiến hành xử lý thực bì và triển khai cuốc hố. Các xã thuộc Dự án đều lên kế hoạch đốt thực bì cho từng thôn, bản nhằm đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng và đảm bảo kịp diện tích trồng rừng trong tháng 4.
Ông Lục Văn Thuần, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Phó Ban thường trực Dự án 147 huyện Bạch Thông cho biết: Để chuẩn bị tốt cho công tác trồng rừng năm 2011, ngay từ cuối năm 2010, Các Ban phát triển rừng tại 5 xã đã tổ chức triển khai các cuộc họp thôn tuyên truyền về nội dung của Dự án, đồng thời thống kê nhu cầu trồng rừng năm 2011 của các hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện.
Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra các xã tiến hành kiểm tra, thiết kế, hướng dẫn bà con cách xử lý thực bì, cuốc hố, cách vận chuyển cây giống, cách bảo quản, cách trồng… Một trong những nét mới trong công tác trồng rừng năm nay là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền và sự vào cuộc của các đoàn thể đặc biệt là sự tham gia của ĐVTN đã giúp người dân tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho mùa trồng rừng mới.
Dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg của Chính phủ thì người trồng rừng được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng. Theo Quyết định này, ở các xã đặc biệt khó khăn, người dân được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha khi trồng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa trên đất trống, đồi núi trọc; 2 triệu đồng/ ha với các loại cây sản xuất gỗ nhỏ.
Các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không thuộc xã đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha nếu trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, cũng theo ông Thuần mức hỗ trợ cho người dân tham gia Dự án là thấp, trong khi đó thủ tục hồ sơ thanh quyết toán cho một hộ dân tham gia Dự án lại quá cồng kềnh.
Thống kê nhu cầu trồng rừng năm 2011 của các hộ gia đình trên địa bàn, toàn huyện Bạch Thông có 3.000 hộ dân đăng ký Dự án với diện tích ước tính trên 2.000ha, huyện cần hơn nữa sự vào cuộc của các địa phương và sự đồng tình ủng hộ của người dân. Để trồng rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội lớn trong việc bảo vệ môi trường, giúp người dân xoá đói, giảm nghèo bền vững. Thời gian đến mùa trồng rừng tập trung không còn dài, bà con đang huy động nguồn nhân lực hợp lý, tập trung trồng rừng ngay khi thời tiết thuân lợi./.
Chinh Lan