Bạch Thông quyết tâm thực hiện tốt 02 nhiệm vụ trọng tâm

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thực hiện 02 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bạch Thông đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, coi đây là giải pháp cơ bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Bạch Thông xác định 02 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020 – 2025; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương giai đoạn 2020 - 2025.

Thực hiện 02 nhiệm vụ trên, huyện Bạch Thông đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ trồng mới 500ha cam sành và xây dựng 03 mô hình trồng cây cam sành không hạt; thâm canh, cải tạo 300ha quýt theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; trồng mới 200ha hồi, nâng tổng diện tích hồi lên 600ha, tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.

Qua nửa nhiệm kỳ, các nhiệm vụ trọng tâm đã được huyện tổ chức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và đạt được những kết quả nhất định. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gồm: Vùng sản xuất cam, quýt tại các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong; vùng cây dược liệu lâu năm tại các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn. Đến nay, diện tích trồng hồi của địa phương đạt khoảng 500ha. Toàn huyện hiện có 1.271ha quýt, trong đó diện tích trồng mới từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 6,1ha; cây cam hiện có 403ha, trong đó trồng mới gần 156ha.

Ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, huyện đã hỗ trợ sau đầu tư cho một số hợp tác xã chế biến để tăng giá trị kinh tế cũng như đầu ra ổn định cho sản phẩm cây ăn quả, dược liệu. Nhờ đó, các sản phẩm cây trồng đã và đang cho giá trị kinh tế khá cao, đem lại thu nhập cho người dân.

Giáo dục, đào tạo nghề được địa phương quan tâm, chú trọng.

Giáo dục, đào tạo nghề được địa phương quan tâm, chú trọng.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bạch Thông đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 01/10/2020 về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020 - 2025. Trên cơ sở đó, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, gắn mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Với các giải pháp đồng bộ, ưu tiên lồng ghép các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng được nâng lên; duy trì và giữ vững công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức 2. Huyện đã tổ chức 06 lớp đào tạo nghề cho 192 lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có 04 lớp nghề nông nghiệp và 02 lớp nghề phi nông nghiệp, với tổng kinh phí 624 triệu đồng.

Theo đánh giá của Huyện ủy Bạch Thông, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ trọng tâm hiệu quả chưa rõ nét. Nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn hạn chế, chưa quan tâm nhiều đến sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Huyện chưa có nhiều chương trình đề án, dự án lớn tạo bước đột phá để phát triển nông, lâm nghiệp ở địa phương. Vùng trồng cây quýt bản địa bước vào giai đoạn già cỗi, hiệu quả thấp. Diện tích thực hiện của một số chỉ tiêu cây trồng còn đạt thấp, manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn trong việc tổ chức sản xuất hàng hóa...

Từ những hạn chế trên, thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ các giải pháp trong tổ chức thực hiện. Theo đó, huyện sẽ rà soát lại diện tích các vùng trồng mới cây ăn quả; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa tập trung đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa, gắn với định hướng phát triển du lịch.

Ưu tiên các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm cho lao động tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tập trung các giải pháp đào tạo nghề, thực hiện công tác hướng nghiệp từ sớm. Đẩy mạnh phối hợp liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, trường nghề nhằm đa dạng hóa ngành nghề và hình thức đào tạo; nâng cao chất lượng lao động nông thôn.../.

Xem thêm