Bạch Thông hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng theo nghị quyết đại hội đảng bộ huyện đề ra

Người dân Bạch Thông đã thấy giá trị, lợi ích kinh tế từ trồng rừng nên mạnh dạn đầu tư phát triển rừng. Trồng rừng đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ, giúp hàng nghìn hộ gia đình có việc làm, tăng thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững…

Người dân Bạch Thông đã thấy giá trị, lợi ích kinh tế từ trồng rừng nên mạnh dạn đầu tư phát triển rừng. Trồng rừng đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ, giúp hàng nghìn hộ gia đình có việc làm, tăng thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững…

Bài 2: TRỒNG RỪNG MANG LẠI LỢI ÍCH, GIÁ TRỊ KINH TẾ THIẾT THỰC

TỪ VIỆC THAY ĐỔI NHẬN THỨC

Những năm trước, người dân huyện Bạch Thông đã được tiếp cận với chương trình trồng rừng PAM 5322, Chương trình 661, 327 của Nhà nước với việc trồng các loại cây hồi, mỡ và quế. Thời điểm đó hầu hết các hộ tham gia trồng rừng chỉ để nhận gạo hỗ trợ, bởi dự án PAM thuộc chương trình của Tổ chức lương thực thế giới triển khai có hỗ trợ gạo cho người dân tham gia trồng. Nhìn chung, phần lớn người dân chưa hiểu hết về lợi ích, giá trị trồng rừng.

Sau này, những diện tích rừng được trồng từ dự án PAM, 327, 5322, 661 đã đến kỳ cho khai thác, nhiều nông hộ đã được hưởng lợi từ sản phẩm gỗ rừng trồng, bình quân mỗi héc ta mỡ bà con có thu nhập 60 đến 100 triệu đồng. Nhờ vậy tư duy, nhận thức của nhân dân đã thay đổi, lợi ích, giá trị kinh tế từ rừng trồng đã được bà con nhìn nhận rõ ràng hơn, gắn bó, trách nhiệm với rừng, phần lớn diện tích rừng đã có chủ đích thực, không còn tình trạng bỏ đồi hoang.

Người dân huyện Bạch Thông bán sản phẩm gỗ rừng trồng, đem lại thu nhập cao.
Người dân huyện Bạch Thông bán sản phẩm gỗ rừng trồng, đem lại thu nhập cao.

 Năm 2011, phong trào trồng rừng được phát triển mạnh mẽ, được thể hiện rõ nét nhất khi thực hiện Chương trình trồng rừng 147 của Chính phủ, dự án khi triển khai đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân và chính quyền các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ người dân trong trồng rừng theo Dự án 147 như hỗ trợ cây giống, tiền trồng rừng năm thứ nhất và chăm sóc rừng trồng  năm thứ hai được triển khai cũng là động lực để mỗi người dân càng thêm gắn bó với trồng và chăm sóc rừng góp phần nâng cao chất lượng cây rừng. Nhờ vậy, diện tích đăng ký trồng rừng tăng theo từng năm, nếu như năm 2011 toàn huyện trồng được 915ha, với 3.000 hộ dân tham gia thì đến năm 2012 trồng được 1.138,79ha, năm 2013 trồng được 1.701,45ha.

Giờ đây khi tham gia trồng rừng nhân dân được sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan chức năng, trong đó có cán bộ kiểm lâm địa bàn từ khâu thiết kế, xử lý thực bì, bảo quản cây giống và kỹ thuật trồng. Qua đó giữa cán bộ kiểm lâm viên địa bàn và người dân đã có sự gắn bó mật thiết, nhiều khó khăn vướng mắc của các hộ trồng rừng đã được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, tìm cách thão gỡ vì vậy mà công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đã mang lại hiệu quả rất lớn, việc triển khai các dự án cũng nhờ đó mà nhanh chóng, kịp thời.

 Phong trào trồng rừng đã được phát triển rộng khắp, tận các thôn bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. Đơn cử, đồng bào dân tộc Dao thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong đã cùng nhau tham gia trồng rừng tập thể, với phương thức chia đất cho từng hộ để cùng trồng rừng trên một quả đồi. Được biết, việc vận chuyển cây giống vào trồng tại đây cũng là chuyện không hề dễ dàng, nhưng người dân đã đồng lòng, cả bản cùng nhau vận chuyển, gánh từng khóm cây giống về thôn để trồng. Đến nay bà con đã trồng được 26ha rừng mỡ theo dự án của tỉnh, huyện, toàn bộ diện tích rừng mới trồng này đang phát triển rất tốt.

 Tư duy của người dân thay đổi rõ nét còn được thể hiện ở chỗ bên cạnh việc tham gia trồng rừng theo các chương trình, dự án của nhà nước, nhiều nông hộ còn tự bỏ vốn mua cây giống về trồng rừng. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn số diện tích rừng mà nhân dân tự bỏ vốn ra trồng đến nay đã lên đến hàng chục héc ta.

ĐẾN HIỆU QUẢ THIẾT THỰC

Hộ ông Đinh Xuân Vũ, thôn Nà Rào, xã Nguyên Phúc sở hữu 5ha rừng mỡ, trong đó có 2ha rừng được trồng từ năm 1998 theo dự án PAM 5322 và 2ha rừng trồng theo Chương trình 147. Một hai năm trở lại đây, những diện tích rừng trồng từ Dự án PAM cho khai thác với giá bán 900.000đồng/m3 đã đem lại thu nhập 60 triệu đồng/ha. Giá trị kinh tế từ rừng trồng mang lại là rất lớn, nên khi có Chương trình trồng rừng 147 gia đình ông đã tham gia tích cực, thậm chí còn tự bỏ vốn để mua cây giống về trồng. Để nâng cao chất lượng rừng trồng ông đã thuê nhân công tham gia phát xử lý thực bì, chăm sóc rừng trồng vì vậy giờ đây những diện tích rừng được trồng theo Chương trình 147 đang ở năm thứ 3 phát triển xanh tốt.

Đưa chúng tôi đi thăm đồi mỡ của gia đình ông Vũ cho biết, trồng rừng chỉ mất nhiều công chăm sóc trong năm đầu, những năm tiếp theo chỉ cần phát cây cỏ dại, để cây quang hợp sinh trưởng tốt. Những cánh rừng mỡ cây đã cao hơn đầu người, chỉ sau bốn năm nữa là 2ha rừng mỡ của gia đình ông sẽ cho thu hoạch.  Nhờ trồng rừng mà gia đình ông Vũ đã trở nên khá giả trở thành hộ đi đầu về phong trào trồng rừng của xã.

Cũng như gia đình ông Vũ, gia đình ông Bàn Hữu Việt, thôn Khuổi Lừa, xã Phương Linh hiện có 3ha rừng mỡ, trong đó có 1,7 ha rừng trồng từ những năm 1998, còn lại 1,3ha là diện tích rừng trồng mới theo Chương trình 147. Toàn bộ diện tích rừng trồng từ trước đây giờ đã vào thời kỳ cho khai thác, mỗi cây gỗ mỡ cao to, thẳng tắp với đường kính từ 20-25cm có giá trị kinh tế cao. Còn với những diện tích rừng mới trồng đến nay đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình ông Việt trong vài năm nữa.

Trên địa bàn huyện Bạch Thông còn hàng trăm mô hình trồng rừng hiệu quả, có những hộ sở hữu 7 đến 8ha rừng trồng. Có thể nói lợi ích, giá trị kinh tế của trồng rừng đối với đời sống của người dân trên địa bàn huyện Bạch Thông là rất lớn trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.

Về phương diện kinh tế, huyện Bạch Thông xác định là một huyện miền núi, có thế mạnh về đất rừng nên phải sống bằng nghề trồng rừng để làm giàu từ rừng. Do vậy Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 xác định kinh tế mũi nhọn của Bạch Thông chính là kinh tế rừng. Thực tế đã chứng minh thu lợi từ rừng trồng là rất cao, đơn cử 1ha rừng sau một chu kỳ 7 năm cho khai thác năng suất trung bình đạt 80m3/ha, với giá bán 900.000đồng/m3 thì 1ha người dân thu về hơn 70 triệu đồng, trừ chi phí vẫn có lãi 40 triệu đồng. Như vậy đối với gia đình có 5ha rừng thì sẽ có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Theo thống kê, mỗi năm huyện Bạch Thông khai thác gỗ rừng trồng với tổng sản lượng 300.000m3, giá trị kinh tế đạt 80 tỷ đồng.

Đối với lợi ích về mặt xã hội, huyện Bạch Thông là huyện thuần nông với 80% dân số sống bằng sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó có trên 50% dân số làm kinh tế rừng do vậy đã giải quyết được 50% về vấn đề lao động, việc làm.

Đối với vấn đề môi trường, việc trồng rừng đã giúp tăng tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn huyện lên 71%, tạo môi trường sinh thái tốt, ngăn cản sự xói mòn đất, hạn chế lũ quét, lũ cục bộ.

Đồng chí Hà Đức Tuyến, Bí thư huyện ủy Bạch Thông cho biết: Trước lợi ích, giá trị kinh tế của trồng rừng, thời gian tới huyện ủy sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, cụ thể và hiệu quả về công tác phát triển rừng. Tiếp tục vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân trồng rừng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho  người dân về lợi ích của trồng rừng từ đó làm tốt hơn công tác xã hội hóa trồng rừng, người dân sẽ tự bỏ vốn trồng rừng, có tâm huyết, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.

Để phát triển rừng một cách bền vững, huyện Bạch Thông đã có chủ trương rà soát, bổ sung, thực hiện tốt việc quy hoạch để tạo thành vùng nguyên liệu tập trung với trữ lượng sản phẩm lớn, thuận lợi cho đầu tư. Đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế rừng. Trong đó, hỗ trợ làm đường lâm sinh, đường vận xuất để giảm chi phí vận chuyển sản phẩm cho người trồng rừng. Tập trung đầu tư thâm canh rừng, trọng tâm là rừng kinh tế, đặc biệt chú trọng khâu cung cấp giống bảo đảm chất lượng, áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng rừng trồng./.         

 Hà Thanh- Văn Lạ

Xem thêm