Bạch Thông định hướng phát triển du lịch văn hóa - lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Gìn giữ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, tạo sức lan tỏa cho điểm đến, vừa góp phần giáo dục truyền thống, vừa khẳng định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Đây là định hướng mà huyện Bạch Thông hướng tới nhằm hình thành sản phẩm du lịch nổi bật gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Huyện Bạch Thông có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm: Di tích lịch sử Nà Tu, di tích lịch sử Đồn Phủ Thông và 07 điểm di tích lịch sử cấp tỉnh như: Di tích lịch sử Nà Mặn, xã Vi Hương; Di tích lịch sử mộ đồng chí Bàn Văn Hoan, xã Quang Thuận; Di tích lịch sử Khau Cưởm, xã Sỹ Bình…

Không chỉ có các di tích lịch sử, Bạch Thông còn là vùng đất nên thơ với cảnh sắc thiên nhiên yên bình, bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… Nhiều khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã manh nha hình thành trên địa bàn huyện, như: Phiêng An, Vi Hương, Đôn Phong… Những địa điểm du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn đã và đang được địa phương quan tâm, khảo sát và nghiên cứu định hướng phát triển

Là một người dân sinh sống ở thị trấn Phủ Thông, ông Hà Minh Thứu ở phố Đầu Cầu cho rằng: Trên địa bàn huyện Bạch Thông có rất nhiều di tích lịch sử, truyền thống văn hóa đặc sắc, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Do vậy, việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch sẽ tạo sức lan tỏa cho điểm đến. Qua đó, vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, vừa giới thiệu được vẻ đẹp của địa phương đến du khách gần xa.

Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn luôn được xem là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn và có tiềm năng trở thành những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương. Cùng với du lịch lịch sử (tham quan, tìm hiểu các giá trị của quần thể di tích lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng), huyện Bạch Thông còn chú trọng phát triển du lịch văn hóa (tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc; lễ hội truyền thống; du lịch sinh thái, thưởng ngoạn cảnh quan tự nhiên).

Trong các chương trình triển khai gìn giữ, bảo tồn di tích cũng như định hướng chiến lược phát triển du lịch, các di tích lịch sử luôn được chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị, là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Hiện nay, một số công trình nổi bật từng bước trở thành điểm đến gắn kết với phát triển du lịch của huyện như: Di tích lịch sử Nà Tu, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông.

Ngày 01/8/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án phục dựng, tôn tạo một số hạng mục Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, nguồn vốn được hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2025. Theo đó, dự án sẽ tiến hành quy hoạch mặt bằng tổng thể Di tích lịch sử đồn Phủ Thông, phục dựng một số hạng mục thể hiện kết quả sau trận công đồn, đường lên khu di tích, sưu tầm tư liệu, dấu tích liên quan đến trận đánh… Dự án nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích, để nơi đây sẽ là điểm đến tham quan, học tập về truyền thống cách mạng của quê hương, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Bạch Thông.

Đề cập đến loại hình du lịch tham quan, điểm đến được hình thành, khai thác trên cơ sở các “địa chỉ đỏ”, đồng chí Đỗ Thị Hiền, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông cho biết: Huyện sẽ bổ sung định hướng về phát triển du lịch và xây dựng Đề án phát triển du lịch của huyện đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 dựa trên tiềm năng du lịch lịch sử với Di tích lịch sử Nà Tu, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông và Di tích lịch sử Đèo Giàng, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch./.

Xem thêm