Bài 2: Cần sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía
Với mục tiêu đưa y - dược học cổ truyền phát triển, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hiện nay Bắc Kạn đang nỗ lực xây dựng, phát triển y dược học cổ truyền. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ đó cần có sự vào cuộc từ nhiều phía.
Trước thực tế nền y - dược học cổ truyền của tỉnh chậm phát triển, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong khi đó nguồn tài nguyên dược liệu quý lại đang có nguy cơ mai một, cạn kiệt, vì vậy kế hoạch phát triển y - dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được ban hành và triển khai. Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng, phát triển mạnh hệ thống y - dược học cổ truyền trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời, củng cố và phát triển tổ chức, mạng lưới y - dược học cổ truyền, từng bước hiện đại hóa phù hợp với xu thế phát triển và đặc điểm chung.
Theo đó, từ bộ máy quản lý, đến các cơ sở khám, chữa bệnh, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất sẽ tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện; phấn đấu nâng cao tỷ lệ bệnh nhân thực hiện khám, chữa bệnh bằng y - dược học cổ truyền. Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng phối hợp với ngành Y tế triển khai kế hoạch xây dựng mới bệnh viện đa khoa y - dược cổ truyền tuyến tỉnh với quy mô 50 – 100 giường bệnh, tiền đề là khoa Đông y của Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn hiện nay (phấn đấu đến năm 2015); triển khai xây dựng phòng khám và điều trị bằng y học cổ truyền, kết hợp khám, chữa bệnh y học cổ truyền với y học hiện đại tại tất cả các trạm y tế xã; khuyến khích thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền ngoài công lập…
![]() |
Châm cứu cho bệnh nhân ở phòng khám y học cổ truyền của Hội Đông y tỉnh. |
Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực thì giao cho Trường Trung cấp y Bắc Kạn chỉ tiêu đào tạo mỗi năm 40 y sĩ định hướng y học cổ truyền. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ, y, bác sĩ về y dược học cổ truyền. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của Hội Đông y trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền tại địa phương. Tỉnh cũng ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu, kế thừa, ứng dụng kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm bảo tồn, kế thừa và phát triển y học cổ truyền để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.
Song song với đó thì vấn đề bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên dược liệu tại địa phương cũng đang được chú trọng thực hiện. Không chỉ hoạt động khai thác, kinh doanh và sử dụng các cây loại dược liệu được quản lý chặt chẽ mà công tác bảo tồn, quy hoạch gắn với phát triển một số loài cây thuốc bản địa có giá trị cao cũng được triển khai. Trong đó, tập trung nghiên cứu các biện pháp bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên dược liệu bản địa có giá trị y học cao, bởi đây được coi là nguồn tài nguyên dược liệu có thế mạnh trên thị trường trong, ngoài nước. Các chương trình trồng một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao cũng sẽ được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải tạo môi trường và phát triển bền vững.
Một số đề tài khoa học trong lĩnh vực y - dược học cổ truyền đã được kế thừa sẽ tiếp tục được nghiên cứu, ứng dụng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và tiến tới sản xuất thuốc thành phẩm mang thương hiệu Bắc Kạn. Đó là mục tiêu hướng đến trong công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên bàn tỉnh, kịp thời góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển y - dược học cổ truyền ở địa phương thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được tất cả các nhiệm vụ này thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, ngành, không riêng ngành Y tế. Sự đồng thuận, quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương sẽ là chìa khóa thành công của mọi hoạt động, cũng như các kế hoạch về phát triển y học cổ truyền nói chung. Đồng thời, các cấp, ngành cũng cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân về khám, chữa bệnh y học cổ truyền, phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc trồng dược liệu.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người bệnh đến khám, chữa bệnh bằng y - dược học cổ truyền tại tuyến tỉnh đạt 20%, tuyến huyện đạt 25%, tuyến xã là 40%; mục tiêu trước mắt là đến năm 2015 tại tuyến tỉnh đạt 15%, tuyến huyện là 20%, tuyến xã đạt 30%, tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong công tác phát triển y học cổ truyền. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm đó, trong tương lai không xa, y - dược học cổ truyền ở Bắc Kạn sẽ phát triển ngang bằng với các tỉnh bạn, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh của nhân dân./.
Trần Hạnh