Bắc Kạn tuýt còi xử lý nạn xe "tắc tơ" ngênh ngang lưu thông trên quốc lộ

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tại một số địa phương trong tỉnh Bắc Kạn, nhiều xe đầu kéo nông nghiệp chất chứa đầy hàng hóa, gỗ... ngang nhiên lưu thông trên các tuyến quốc lộ hay khu vực đông dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và tạo ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Một chiếc xe "tắc tơ" lưu thông trên tuyến Quốc lộ 3 thuộc địa phận huyện Bạch Thông.

Một chiếc xe "tắc tơ" lưu thông trên tuyến Quốc lộ 3 thuộc địa phận huyện Bạch Thông.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế dựa chủ yếu vào phát triển nông - lâm nghiệp. Với đặc điểm nhỏ, gọn, máy khỏe, bánh lốp cỡ lớn, xe tắc tơ được người dân ưa chuộng vì hoạt động được ở nhiều địa hình khác nhau. Suất đầu tư mỗi chiếc tắc tơ giao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, là lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ dân.

Ông Triệu Đình Tuyến, ở Bản Tắm, xã Yên Phong (Chợ Đồn) cho hay: “Ưu điểm của xe tắc tơ là có thể di chuyển dễ dàng ở những địa hình khó khăn, lội suối, vào khe leo đồi rất tiện lợi, phục vụ tốt cho sản xuất nông - lâm nghiệp”.

Tuy nhiên, thực trạng chung của loại phương tiện này là "3 không": Không đăng ký, không đăng kiểm, không bằng lái. Không dừng lại ở việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, thời gian gần đây, nhiều máy nông nghiệp được “hô biến” thành xe kéo chuyên dụng lưu thông trên các tuyến đường.

Hầu hết các loại máy kéo, máy nông nghiệp tự chế (hay còn gọi là xe tắc tơ) được điều khiển bằng càng đã được hoán đổi sang điều khiển bằng vô lăng, gắn thêm thùng chở hàng với các kích cỡ khác nhau. Nhiều xe tắc tơ được lắp đặt hộp số, lắp bộ phận nâng… gần giống với xe tải. Loại máy này đang được gia cố thêm để sử dụng với những mục đích chở gỗ, hàng hóa…

Do không được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng nên đương nhiên về thông số kỹ thuật, những chiếc “xe” này có thể không đạt quy định. Trong khi đó, hầu hết người điều khiển loại phương tiện này không có bằng lái. Hằng ngày, loại phương tiện này tung hoành trên khắp các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, chuyên chở sai mục đích, gây cản trở giao thông khiến người dân bất an.

Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra liên quan đến xe tắc tơ, gây thiệt hại về người và tài sản. Mới đây, ngày 12/10/2023 tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông xảy ra vụ tai nạn giữa xe tắc tơ và xe máy khiến 02 học sinh bị thương. Trước đó, cũng tại địa phương này đã xảy ra vụ tai nạn lật xe tắc tơ khiến 01 trẻ em bị thương nặng. Năm 2019, chỉ trong một tháng, tại huyện Bạch Thông xảy ra tới 02 vụ lật xe tắc tơ làm 02 người tử vong tại chỗ...

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.800 xe máy chuyên dùng nông - lâm nghiệp. Chiếm số lượng nhiều nhất là huyện Chợ Đồn, với gần 700 chiếc. Đây là loại phương tiện quan trọng đối với việc mưu sinh của một bộ phận không nhỏ bà con nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Tuy nhiên, theo quy định, loại xe này tham gia giao thông phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ như: Xe phải có đăng ký, xe vận chuyển nhỏ phải thực hiện kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, người điều khiển xe công nông phải có giấy phép lái xe phù hợp với hạng xe điều khiển.

Cán bộ Công an huyện Chợ Đồn tuyên truyền người dân thực hiện các quy định liên quan đến việc sử dụng xe máy chuyên dùng nông lâm nghiệp.

Cán bộ Công an huyện Chợ Đồn tuyên truyền người dân thực hiện các quy định liên quan đến việc sử dụng xe máy chuyên dùng nông lâm nghiệp.

Tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2023, bà Lý Thị Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn bày tỏ mong muốn: Các sở, ngành cần có hướng dẫn cụ thể đến địa phương về vấn đề đăng kiểm đối với đầu máy nông nghiệp hoán cải thành phương tiện kéo, chở như xe tắc tơ. Qua đó để người dân có thể sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông, vừa thực hiện đúng quy định pháp luật trong quá trình sử dụng loại phương tiện này.

Để thực hiện tốt công tác quản lý xe tắc tơ, tháng 8/2023, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động sử dụng xe cơ giới ba bánh tự chế, xe máy chuyên dùng nông - lâm nghiệp (xe tắc tơ) tham gia giao thông.

Theo đó, các địa phương và lực lượng Công an đã tiến hành rà soát, tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai việc ký cam kết đối với tất cả các hộ dân đang sử dụng xe tắc tơ. Từ ngày 01/10 đến ngày 31/12/2023, lực lượng CSGT Công an toàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tập trung vào các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã; những khu vực, các điểm khai thác, thu hoạch nông - lâm sản gần các tuyến giao thông đường bộ. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông, vi phạm quy định về vận tải đường bộ…/.

Xem thêm