Bắc Kạn thu hút nguồn lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng thực hiện tốt giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch, cải cách hành chính nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn.

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã bố trí kinh phí gần 58 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện phần diện tích còn lại của Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình giai đoạn I. Hiện nay chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công để hoàn thành dự án trong năm 2024. Tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư KCN Thanh Bình giai đoạn II và lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa.

Công nhân Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại KCN Thanh Bình (Chợ Mới) đóng gói sản phẩm.

Công nhân Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại KCN Thanh Bình (Chợ Mới) đóng gói sản phẩm.

Đến nay, tỉnh đã thành lập được 06 cụm công nghiệp (CCN), trong đó đã bố trí ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản 03 CCN tại thành phố Bắc Kạn, huyện Na Rì và Chợ Đồn với tổng kinh phí khoảng 322 tỷ đồng.

Hiện 01 CCN đã cơ bản hoàn thành, đang triển khai các thủ tục cho nhà đầu tư thứ cấp thuê 100% diện tích đất để triển khai dự án giày dép xuất khẩu. Các CCN khác đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công hạ tầng, gồm: CCN Quảng Chu, huyện Chợ Mới với diện tích 74,4ha do Công ty Cổ phần Onsen Fuji Bắc Kạn làm chủ đầu tư; CCN Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông với diện tích 43ha do Công ty Cổ phần Nhựa đường dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; CCN Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới với diện tích 50ha do Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn làm chủ đầu tư; CCN Vằng Mười, huyện Na Rì với diện tích 15ha và CCN Nam Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn với diện tích 20ha do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại làm chủ đầu tư. Dự kiến đến năm 2025 các CCN này sẽ đi vào vận hành, khai thác.

Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Govina tại KCN Thanh Bình (Chợ Mới).

Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Govina tại KCN Thanh Bình (Chợ Mới).

Bên cạnh đó, hằng năm công tác xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp được tỉnh quan tâm thực hiện. Nhằm tận dụng tối đa xu hướng dịch chuyển ngành, nghề gắn với dịch chuyển nguồn lực, giai đoạn 2021-2023 tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 21 dự án trong lĩnh vực công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.921 tỷ đồng. Hiện nay, các nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục về môi trường, đất đai, thiết kế cơ sở để thực hiện thi công dự án (trong đó có 01 dự án FDI). Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, chế biến gỗ, sản xuất dược phẩm, năng lượng.

CCN Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) cơ bản hoàn thành, đang triển khai các thủ tục cho nhà đầu tư thứ cấp đến triển khai dự án.

CCN Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) cơ bản hoàn thành, đang triển khai các thủ tục cho nhà đầu tư thứ cấp đến triển khai dự án.

Ông Nguyễn Tiến Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn cho biết: Ngành công nghiệp của tỉnh đang được phát triển theo hướng nâng cao giá trị gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản có bước phát triển tích cực, chuyển đổi mô hình sản xuất từ hộ kinh doanh cá thể sang hợp tác xã, doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững giữa ngành công nghiệp với nông nghiệp, dịch vụ và đã hình thành được một số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP được thị trường tin dùng.

Công tác ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp được các doanh nghiệp công nghiệp quan tâm và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như: Công nghệ sản xuất chì kim loại, công nghệ tuyển khoáng, sản xuất cucurmin... góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm công nghiệp địa phương.

Thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục tập trung triển khai phát triển ngành công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương trong công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, mô hình quản lý sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình sang mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp công nghiệp; đẩy mạnh việc phát triển một số làng nghề sản xuất các sản phẩm mà địa phương có lợi thế phát triển, được thị trường tin dùng sản phẩm…/.

Xem thêm