Bắc Kạn quản lý đầu tư công hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sau 5 năm (2017 - 2022) thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý đầu tư công trên địa bàn tỉnh, hoạt động đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được thực hiện tập trung, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ngày 13/11/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Sau khi Chỉ thị được ban hành, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các đảng đoàn, ban cán sự đảng đã chủ động, khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện; UBND tỉnh ban hành Đề án quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Để thực hiện có hiệu quả công tác đầu tư công trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế; chủ động phối hợp thực hiện tốt các nội dung như xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công hằng năm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ theo quy định.

Thi công nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 3 B năm 2019

Thi công nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 3 B năm 2019

Trong 5 năm qua, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2016-2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 12 nghìn tỷ đồng để thực hiện 609 dự án. Trong đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và bố trí cho các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án chuyển tiếp, đối ứng các dự án ODA. Đối với các dự án khởi công mới, ưu tiên thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, hạ tầng thủy lợi, giao thông... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng được các cơ quan chuyên môn kiểm soát chặt chẽ, chất lượng thẩm định được đảm bảo. Trong 5 năm, các cơ quan chuyên môn về xây dựng từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã tổ chức thẩm định 3.200 công trình, giá trị dự toán sau thẩm định cắt giảm khoảng 400 tỷ đồng (tương ứng khoảng 3,6%), qua đó, góp phần tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Hoạt động đấu thầu được quan tâm chỉ đạo thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu, giúp nâng cao chất lượng công trình, thiết bị mua sắm và dịch vụ tư vấn. Các nhà thầu được lựa chọn đảm bảo đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm; thực hiện các gói thầu cơ bản đảm bảo về tiến độ, chất lượng. Công tác đấu thầu qua mạng được các chủ đầu tư triển khai đảm bảo theo quy định, tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu qua mạng có xu hướng tăng, giúp tiết kiệm một phần ngân sách địa phương, mang lại hiệu quả cao hơn trong sử dụng vốn đầu tư công.

Việc quản lý chất lượng công trình đã các cơ quan chuyên môn về xây dựng từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với 965 công trình; kiểm tra chất lượng trong quá trình thi công xây dựng công trình, kiểm tra đột xuất hơn 1.200 lượt với hơn 1.000 công trình trên địa bàn tỉnh. Các công trình được kiểm tra cơ bản đảm bảo chất lượng và được chấp thuận kết quả nghiệm thu đưa vào sử dụng; toàn tỉnh không có sự cố về chất lượng công trình.

Công tác quản lý chi phí đầu tư được việc siết chặt các khoản mục chi phí đầu tư, giá nhiên vật liệu trong quá trình thẩm định của các cơ quan chuyên môn về xây dựng. Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng, sử dụng Bộ đơn giá xây dựng cơ bản của tỉnh, đồng thời, tổ chức kiểm tra, khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng hằng quý, công bố chỉ số giá xây dựng theo quy định.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức các hội nghị chuyên đề bàn về giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác quyết toán nhằm chấm dứt tình trạng tiếp tục phát sinh các dự án hoàn thành nhưng vi phạm về thời gian quyết toán. Số dự án được quyết toán từ năm 2017 đến nay là 3.080 dự án/công trình với tổng giá trị đề nghị quyết toán là hơn 12 nghìn tỷ đồng. Qua thẩm tra quyết toán đã loại bỏ chi phí sai quy định góp phần giảm chi cho ngân sách nhà nước gần 94 tỷ đồng. Đến hết năm 2022, cơ bản không có dự án chậm thẩm tra quyết toán.

Ngành Thanh tra đã tập trung thanh tra các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh. Qua thanh tra đã phát hiện các vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và điều chỉnh dự án đầu tư; công tác thi công xây dựng, quản lý chi phí đầu tư... Qua đó, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan liên quan chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời, thu hồi nộp ngân sách đối với những sai phạm về kinh tế được phát hiện qua thanh tra.

Có thể thấy, qua 5 năm, các cấp ủy, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã phát huy vai trò quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm và phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống các thể chế quản lý của tỉnh đã được hoàn thiện. Các dự án đầu tư được kiểm soát chặt chẽ về phạm vi, quy mô theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt; sử dụng vốn hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư. Các dự án còn tồn tại, vướng mắc về quyết toán từ nhiều năm trước đã được xử lý dứt điểm. Nợ đọng xây dựng cơ bản được giải quyết triệt để. Các dự án được đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả sau đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Tổng kết NQ 15/2017 của Tỉnh ủy

Xem thêm