Ngày Toàn dân phòng cháy, chữa cháy (04/10):

Bắc Kạn nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

BBK - Trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, ngày 03/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Sau 9 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Thực tập phương án PCCC&CNCH tại thị trấn Đồng Tâm (Chợ Mới).

Thực tập phương án PCCC&CNCH tại thị trấn Đồng Tâm (Chợ Mới).

Ngay sau khi Chỉ thị số 01/CT-TTg được ban hành, Công an tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản phát động “Cao điểm 100 ngày đêm hưởng ứng, thi đua nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện, cấp xã đã ban hành hơn 1.276 văn bản triển khai thực hiện. Nhờ đó đã góp phần tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH được đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp và đẩy mạnh vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của Đảng, Nhà nước và địa phương. Cụ thể như: Phối hợp phát 2.615 lượt tuyên truyền trên loa phát thanh của phường, xã, thị trấn; phát 3.975 tờ rơi, tài liệu khuyến cáo về PCCC; tổ chức 949 buổi tuyên truyền trực tiếp với 55.134 người tham gia; tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động của chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể tại khu dân cư được 278 lượt; tổ chức treo 68 băng rôn; tuyên truyền, vận động 18.079 hộ gia đình ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; gửi 765 lượt tin nhắn SMS và 463 lượt tin nhắn qua mạng xã hội tuyên truyền, khuyến cáo về PCCC và CNCH.

Phong trào "Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy" được đẩy mạnh, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ". Trong đó đáng chú ý là việc triển khai, nhân rộng 09 mô hình phong trào an toàn PCCC và CNCH, gồm: Tổ dân phố an ninh nhân dân; Hộ an toàn - thôn, tổ bình yên; Đội thanh niên tình nguyện tìm kiếm cứu nạn sông nước; Cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ, nhà cho thuê tự quản về an ninh, trật tự; Mô hình thực hiện có hiệu quả công tác hướng dẫn và tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC; Tổ tự quản về an ninh trật tự; Khu dân cư an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng (thành lập 63 điểm chữa cháy công cộng); Mô hình tổ liên gia PCCC (thành lập 104 tổ liên gia an toàn PCCC).

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và CNCH được thực hiện chủ động, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả và xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tiến hành kiểm tra 2.178 lượt cơ sở và kiểm tra đối với 22.333 hộ gia đình, 2.827 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Qua đó đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 trường hợp, trong đó phạt tiền 08 trường hợp, tổng số tiền phạt 93,8 triệu đồng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với lực lượng tại chỗ khống chế kịp thời các vụ cháy, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn và tổ chức CNCH hiệu quả.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức chữa cháy 06 vụ và CNCH 05 vụ, trực tiếp cứu được 01 người bị thương, tìm được 05 thi thể người bị nạn, bảo vệ hàng chục tỷ đồng tài sản của Nhân dân; lực lượng tại chỗ đã trực tiếp xử lý, dập tắt 02 vụ cháy ngay từ ban đầu.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg còn một số hạn chế như: Việc triển khai, thực hiện tại một số đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa phát huy được nhiều hiệu quả; việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cấp nước PCCC theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các công trình đầu tư công như: Trường học, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước... gặp nhiều khó khăn; chất lượng tổ chức thực tập, diễn tập phương án, khả năng xử lý các tình huống sự cố, tai nạn phức tạp vẫn còn hạn chế nhất định.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các khu dân cư, nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cơ sở tập trung đông người, hạ tầng cơ sở cũ… Để nâng cao hiệu lực, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tập trung tham mưu triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg và các văn bản có liên quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, trong đó chú trọng các chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với những vi phạm quy định an toàn PCCC, đề xuất tăng mức phạt đối với hình thức phạt tiền; xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về PCCC phù hợp yêu cầu thực tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn, hình thành cho người dân văn hóa, kỹ năng PCCC, thoát nạn để kịp thời xử lý đám cháy trong vòng ”5 phút vàng”, tự cứu mình khi đám cháy xảy ra. Trong đó, phấn đấu mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 01 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH, phát động mỗi hộ gia đình được trang bị phương tiện chữa cháy cần thiết; tiếp tục phát triển mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở theo quy định, tăng cường kiểm tra đột xuất khi phát hiện các dấu hiệu không đảm bảo an toàn về PCCC, nhất là đối với các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, cơ sở tập trung đông người, karaoke, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cháy, nổ cao. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về PCCC, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy kiên quyết đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động.

Thứ tư, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thực thi các biện pháp quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh hướng dẫn để cơ sở, khu dân cư tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC, làm tốt việc tự kiểm tra an toàn PCCC; kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót về đảm bảo an toàn PCCC; xây dựng, kiện toàn, củng cố lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng, định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao ý thức, kiến thức nghiệp vụ PCCC; quan tâm bố trí nguồn kinh phí và duy trì lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động thực sự có hiệu quả, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC.

Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo Đề án số 10/ĐA-BCA-C07, ngày 15/3/2023 của Bộ Công an./.

Đại tá Nguyễn Thanh Tuân,

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn

Xem thêm