Bắc Kạn khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Năm học mới 2023 – 2024 đã chính thức khởi động. Cùng với niềm vui tựu trường, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đứng trước nỗi lo thiếu giáo viên đứng lớp. Hiện các đơn vị, địa phương đang nỗ lực triển khai công tác tuyển dụng giáo viên, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ năm học.
Cán bộ, giáo viên và học sinh Trường PTDT bán trú TH&THCS An Thắng (Pác Nặm) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh trong ngày khai giảng.

Cán bộ, giáo viên và học sinh Trường PTDT bán trú TH&THCS An Thắng (Pác Nặm) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh trong ngày khai giảng.

Thầy giáo Ngô Văn Thế, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS An Thắng (Pác Nặm) cho biết: Năm học trước, nhà trường thiếu giáo viên giảng dạy một số môn. Năm nay, trường đã được điều chuyển một số giáo viên ở đơn vị khác về, đồng thời cũng tuyển được 01 giáo viên hợp đồng bộ môn Sinh – Hóa và 01 hợp đồng y tế học đường.

Triển khai nhiệm vụ năm 2023-2024, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác tổ chức cán bộ, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục năm học 2023 – 2024, tham mưu cho cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

Thực trạng mà ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn đang gặp phải là đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, chủng loại theo từng môn học, cấp học. Đặc biệt là cấp tiểu học còn thiếu giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ, Tiếng Anh. Một số đơn vị còn thiếu giáo viên ở một số môn học khác do chưa tuyển dụng đủ số lượng theo chỉ tiêu như môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp THCS. Do vậy nhiều giáo viên vẫn phải dạy vượt định mức và phải sử dụng thêm đội ngũ giáo viên hợp đồng. Do khoảng cách địa lý giữa các trường và các trường có nhiều điểm trường lẻ nên khó khăn trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy liên trường, liên cấp...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn, nguyên nhân do nguồn cung nhân lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng, nhất là các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật. Hiện nay một số cơ sở đào tạo chưa có mã ngành đào tạo giáo viên cho một số môn học mới như các môn dạy tích hợp ở cấp THCS.

Hằng năm, tỉnh phải thực hiện cắt giảm biên chế theo quy định nên không có đủ biên chế để giao cho các cơ sở giáo dục theo định mức. Số giáo viên được các cấp có thẩm quyền giao chưa đảm bảo theo định mức, chưa đồng bộ về cơ cấu, chủng loại theo từng môn học, cấp học.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh được UBND tỉnh giao 7.200 biên chế, gồm biên chế do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và biên chế do UBND các huyện, thành phố quản lý. Hiện nay, số biên chế có mặt gần 6.600 biên chế, số đang tuyển dụng khoảng 600 biên chế. Thời điểm này, các huyện, thành phố đang thực hiện kế hoạch tuyển dụng số biên chế được giao.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục đang phối hợp rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng: Ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước thì cần ưu tiên đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định đối với mỗi cấp học; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn trao đổi về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cho biết thêm: Khó khăn về đội ngũ giáo viên của tỉnh hiện nay chính là thiếu nguồn tuyển. Do vậy, giải pháp về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất nhu cầu tuyển sinh đào tạo giáo viên thực hiện theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Đồng thời có định hướng đối với các ngành đào tạo theo nhu cầu đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, tham gia dự tuyển vào các chuyên ngành mà tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng kiến nghị với các cấp có thẩm quyền không thực hiện cắt giảm biên chế giáo viên, đồng thời nghiên cứu thực hiện tinh giản có xem xét tới yếu tố vùng, miền. Ngoài ra, cần có sự ràng buộc đối với sinh viên đã được các địa phương cử đi học, cam kết sau khi tốt nghiệp phải về địa phương nơi được cử đi học để công tác, cống hiến. Tránh tình trạng các địa phương do thiếu giáo viên nên thực hiện đặt hàng, nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp lại tham gia giảng dạy tại địa phương khác, dẫn đến không hiệu quả trong việc bổ sung nguồn tuyển dụng giáo viên đối với tỉnh khó khăn như Bắc Kạn./.

Xem thêm