Bắc Kạn: Công tác dân số góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội thi "Rung chuông vàng" tìm hiểu kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THPT Bắc Kạn năm 2022.Hội thi "Rung chuông vàng" tìm hiểu kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THPT Bắc Kạn năm 2022.

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân đối với công tác dân số trong tình hình mới đã có sự thay đổi, xác định được nội dung trọng tâm của công tác dân số, tầm quan trọng việc chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) sang dân số và phát triển.

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ về dân số thường xuyên và kịp thời, phát huy hiệu quả. Tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, đề án dân số theo Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Công tác truyền thông giáo dục, vận động thực hiện chính sách dân số được quan tâm, đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, nhằm từng bước chuyển đổi hành vi và nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tổng tỷ suất sinh, tỷ suất sinh thô của năm 2020, 2021, 2022 đã được cải thiện so với các năm 2017 - 2019. Các dịch vụ KHHGĐ ngày càng đáp ứng nhu cầu đối tượng và có chất lượng. Hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên/thanh niên được đẩy mạnh. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã được triển khai rộng trong cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số trên địa bàn tỉnh vẫn còn có nhiều hạn chế như: Một số địa phương trong tỉnh mặc dù đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, nhưng việc triển khai cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp trong thực tế chưa được chú trọng; chưa quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác dân số (năm 2021, 2022 chỉ có UBND huyện Pác Nặm bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện công tác dân số).

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở cơ sở không ổn định, một số thôn, tổ chưa có người thực hiện nhiệm vụ dân số. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể, địa phương chưa thường xuyên. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa xây dựng, bổ sung chính sách dân số vào quy ước, hương ước và nội quy, quy chế. Việc thực hiện không sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng. Một số vùng khó khăn vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Việc xã hội hóa cung ứng các dịch vụ DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân...

Qua 5 năm thực hiện nghị quyết, có một số chỉ tiêu chưa đạt được và khó đạt, như: Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; giảm tỷ số giới tính khi sinh; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tỷ lệ người cao tuổi được quản lý sức khoẻ, khám chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Một số cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo đơn vị chưa thấy được tầm quan trọng của công tác dân số, chưa chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu công tác dân số và phát triển. Chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác dân số chưa thỏa đáng nên các hoạt động không được triển khai đầy đủ, hiệu quả thấp...

Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW, cụ thể hóa vào thực tế, công tác dân số trên địa bàn tỉnh cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Đồng thời, cần có sự ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số và chính sách ưu đãi đối với đội ngũ những người làm công tác dân số các cấp. Công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông phải được tổ chức thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.

Tăng cường kinh phí, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; hệ thống dịch vụ KHHGĐ phải thuận tiện, đa dạng hóa các biện pháp tránh thai để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ an toàn, hiệu quả./.

Lèng Hoàng Thái Huân

(Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bắc Kạn)

Xem thêm