Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, chính quyền các cấp huyện Ba Bể đã vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Vào mùa đông, thời tiết ở Ba Bể rất khắc nghiệt, đặc biệt là các thôn vùng cao. Chính vì thế, để thực hiện tốt công tác phòng, chống rét cho gia súc, từ tháng 10 huyện đã có công văn chỉ đạo gửi các địa phương về phương án tổ chức bảo vệ đàn gia súc; tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo từ huyện đến xã, thôn. Các xã chỉ đạo cán bộ phụ trách thôn, bản tăng cường kiểm tra vận động người dân tu sửa, che chắn chuồng trại và chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ.
Ngành chuyên môn huyện đôn đốc người dân tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân để cỏ phát triển tốt, làm nguồn thức ăn xanh dự trữ; vận động nông dân trồng thêm các loại cây vụ đông như: Khoai lang, cỏ ruzi, cỏ stylo, chuối hột…; tích cực chăm sóc tốt gia súc để tăng cường sức đề kháng bằng cách cho ăn đầy đủ cỏ tươi, bổ sung chất khoáng, vitamin, thức ăn tinh tùy theo trọng lượng cơ thể; định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, diệt rận, muỗi… nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh; hạn chế chăn thả những ngày giá rét, mưa dầm; trâu, bò cày kéo hạn chế khai thác sức lao động trong những ngày sương giá.
Hiện nay, toàn huyện Ba Bể có gần 17 nghìn con trâu, bò, dê, ngựa. Đây là một tài sản khá lớn của địa phương. Đến thời điểm hiện nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã cơ bản triển khai xong việc chuẩn bị các điều kiện để phòng chống rét cho gia súc. Nhiều tuần qua, trên địa bàn các xã, người dân đã và đang tích cực vận chuyển rơm về cất giữ làm thức ăn cho gia súc. Rơm đã được phơi khô trước khi tuốt lúa, được đánh đống gọn gàng trong những góc vườn, trên sàn chuồng trại; chuồng trại gia súc ở nhiều hộ gia đình được gia cố lại, chắc chắn và kín đáo hơn; hố chứa phân gia súc cũng được nạo vét, dọn dẹp sạch sẽ.
Nhiều chuồng trại đã được dựng chắc chắn, che chắn, sẵn sàng nguồn thức ăn khô cho gia súc trong những ngày mùa đông. |
Phúc Lộc là xã có tổng đàn gia súc nhiều nhất huyện. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay việc phòng, chống rét cho gia súc được nhiều gia đình quan tâm tăng cường. Chính quyền xã đã chỉ đạo tất cả 19 thôn, bản vận động nhân dân vệ sinh chuồng trại, che chắn chuồng đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt; đảm bảo mỗi hộ chăn nuôi có rơm, cỏ khô để làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò; tăng cường chế độ chăm sóc, khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng; vận động các thôn vùng cao không chăn thả gia súc trên rừng qua đêm.
Đến xã Quảng Khê, những cánh đồng lúa đã thu hoạch xong, hầu hết rơm rạ được bà con thu gom khá triệt để. Đồng chí Phạm Hữu Tăng, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê nói với chúng tôi: Công tác phòng chống rét cho gia súc năm nay có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân đã chủ động hơn, không còn bỏ bê gia súc hoặc chờ có cán bộ vận động tuyên truyền mới thực hiện như trước. Sự chuyển biến tích cực này một phần là nhờ công tác tuyên truyền được triển khai tốt, một phần bà con rút kinh nghiệm từ những thiệt hại nặng nề từ mùa đông năm trước.
Tại Nam Mẫu, theo ghi nhận toàn xã có 5 thôn vùng cao (đồng bào Mông, Dao), đàn gia súc chủ yếu phát triển mạnh ở các thôn này, mặc dù nhận thức của bà con còn hạn chế, nhưng việc chăm sóc, phòng chống rét và dịch bệnh cho gia súc lại luôn được chú trọng. Không có nhiều ruộng, nhưng bà con đã tận dụng thân cây ngô phơi khô làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Tỷ lệ bị gia súc bị chết rét những năm qua hầu hết rơi vào bê, nghé và những con quá già yếu… Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, hy vọng mùa đông năm nay Ba Bể sẽ giảm thấp nhất thiệt hại về đàn gia súc theo mục tiêu huyện đã đề ra.
Tùng Vân