Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Bể lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, tạo điểm nhấn phục vụ cho hoạt động du lịch.
Những mục tiêu cụ thể
Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Huyện ủy Ba Bể đã xây dựng, ban hành chương trình hành động với nhiệm vụ cụ thể, đó là: Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Xây dựng từ 1 - 2 làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống của địa phương. Phát triển các loại cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản có thế mạnh của địa phương để trở thành điểm nhấn phục vụ cho các hoạt động tham quan trải nghiệm, thu hút khách du lịch.
![]() |
Hồng không hạt là cây trồng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa của Ba Bể. |
Theo đó, toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp chiếm 47%. Trong đó, diện tích đất canh tác có giá trị 100 triệu đồng/ha trở lên đạt 500ha. Đầu tư thâm canh, cải tạo và trồng bổ sung cây ăn quả hiện có, phấn đấu có 400ha hồng không hạt; 293ha cam, quýt, bưởi; 748ha chè; cải tạo thâm canh 500ha cây chuối hiện có. Duy trì đàn trâu, bò, ngựa ổn định 12.120 con, đàn dê 4.000 con, đàn lợn 32.000 con, đàn gia cầm 260.000 con. Duy trì sản lượng thủy sản 1.130 tấn, diện tích mặt nước 143ha.
Để đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, huyện Ba Bể tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phấn đấu mỗi năm thành lập mới 02 HTX và có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Giải pháp phù hợp
Ba Bể là địa phương có lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các cây trồng thế mạnh, có giá trị kinh tế cao như bí xanh thơm, hồng không hạt, chè... Tuy nhiên, thực tế hiện nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn thiếu tính bền vững, chưa phát triển mạnh theo hướng liên kết tiêu thụ, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp... Đó là những vấn đề đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn nhìn nhận, đánh giá, phân tích, làm cơ sở để có định hướng phát triển trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Vì vậy, để cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm đặt ra, BCH Đảng bộ huyện lần thứ 3 (khóa XXII) đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HU về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2020-2025 với những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn là: Tập trung quy hoạch phát triển cây hồng không hạt tại các xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ; cây bí xanh thơm tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương. Quy hoạch vùng chăn nuôi trâu, bò tại các xã Phúc Lộc, Bành Trạch, Thượng Giáo, Cao Thượng, Nam Mẫu, Đồng Phúc; vùng chăn nuôi lợn tại các xã Yến Dương, Địa Linh, Thượng Giáo; vùng nuôi thủy sản trên sông Năng, hồ Ba Bể tại các xã Thượng Giáo, Khang Ninh, Nam Mẫu, thị trấn Chợ Rã...
Căn cứ vào quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, huyện tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó đặc biệt quan tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; đào tạo nguồn nhân lực cho các hợp tác xã; xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất.
Hiện nay, huyện đã và đang phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai đề tài phục tráng giống bí xanh thơm; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa; phòng, chống sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng cây hồng không hạt; cải tạo vườn mận chín sớm; triển khai nuôi trâu, bò nhốt hàng hóa. Trong năm 2021, huyện Ba Bể ban hành Quyết định phê duyệt danh mục đề án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cây bí xanh thơm, hồng không hạt, dong riềng, chè, gừng... Trên cơ sở đó, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc tư vấn xây dựng liên kết, giống, vật tư phân bón, khoa học kỹ thuật. Từng bước phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có chất lượng, đảm bảo an toàn, không những có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan, trải nghiệm của du khách khi đến với Khu du lịch hồ Ba Bể.
Đồng chí Lưu Quốc Trung- Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Để đạt mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhất là những lợi thế của địa phương để cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả. Từ đó có cơ chế, nguồn lực riêng để triển khai một số mô hình điểm về cây trồng thế mạnh của địa phương áp dụng khoa học kỹ thuật, gắn với liên kết tiêu thụ làm cơ sở nhân ra diện rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế, phát triển sản xuất bền vững./.
Hà Thanh