An toàn khu Chợ Đồn – Viết tiếp bản hùng ca

0:00 / 0:00
0:00

Với lợi thế về địa hình và người dân một lòng theo Đảng, An toàn khu (ATK) Chợ Đồn đã bao bọc, chở che Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử của dân tộc. Ngày nay, vùng quê cách mạng ấy đang từng ngày đổi thay, như mạch nguồn cách mạng chảy mãi để viết lên những bản hùng ca giữa đại ngàn Việt Bắc.

Tự hào truyền thống cách mạng

Là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Kạn, nơi địa hình bị chia cắt phức tạp bởi những dãy núi, nơi đầu nguồn của sông Cầu và sông Phó Đáy. Địa thế hiểm trở đã đưa An toàn khu (ATK) Chợ Đồn thuộc địa bàn 3 xã Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng trở thành một trong ba điểm quan trọng nhất thuộc quần thể Chiến khu Việt Bắc (bao gồm An toàn khu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và An toàn khu Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, An toàn khu Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Được chọn là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).

Nhân dân trồng, chăm sóc hoa tại các điểm di tích cách mạng.

Nhân dân trồng, chăm sóc hoa tại các điểm di tích cách mạng.

Khu căn cứ cách mạng ATK Chợ Đồn với những yếu tố “Địa lợi - Nhân hòa” có vị trí, địa hình thuận lợi, đảm bảo an toàn bí mật cho các cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Là một khu vực có nền kinh tế có thể tự cung tự cấp, nơi có phong trào cách mạng vững mạnh, chỗ đứng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến, chỗ dựa vững chắc để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang. Sớm giác ngộ cách mạng, Nhân dân các dân tộc vùng ATK Chợ Đồn đã đùm bọc, giúp đỡ, giữ gìn bí mật, góp phần đảm bảo an toàn cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao, đóng góp nhiều sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Từ ATK Chợ Đồn, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạch định đường lối kháng chiến, chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947; Chiến dịch Biên giới năm 1950; chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang) tháng 02/1951...

Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, vượt qua bao khó khăn gian khổ, Nhân dân các dân tộc vùng ATK Chợ Đồn, đã đoàn kết thống nhất, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Đồng thời ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, tham gia ủng hộ kháng chiến, kiến quốc, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Đây là những mốc son lịch sử quan trọng, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc vùng ATK cũng như tỉnh Bắc Kạn.

Sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước

Với những giá trị lịch sử đặc biệt và to lớn đó, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử An toàn khu Chợ Đồn là di tích quốc gia đặc biệt.

Theo Quyết định số 1748/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2021 thì An toàn khu Chợ Đồn gồm 25 điểm di tích nằm trên địa bàn 3 xã Lương Bằng, Nghĩa Tá, Bình Trung.

Ngày 13/12/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1803/QĐ-TTg về việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Quyết định nêu rõ: Công nhận 07 xã gồm: Bản Thi, Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bằng Lãng, Yên Thượng, Yên Thịnh thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là các xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; công nhận huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là vùng An toàn khu của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn.

Mới đây, ngày 30/11/2023, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mở ra trang mới cho du lịch ATK Chợ Đồn

Với truyền thống cách mạng, sau giải phóng, giữa thời bình, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc vùng ATK Chợ Đồn tiếp tục hăng say lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, làng bản ngày càng giàu đẹp cùng với đó ý thức bảo vệ, gìn giữ các di tích được cấp ủy, chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm. Các di tích lịch sử vùng ATK Chợ Đồn đang dần thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm, về nguồn. Tuy nhiên, du lịch vùng ATK Chợ Đồn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Du khách trải nghiệm tuyến du lịch ATK Chợ Đồn - Phja Khao - Khu Bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn).

Du khách trải nghiệm tuyến du lịch ATK Chợ Đồn - Phja Khao - Khu Bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn).

Việc Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1496/QĐ-TTg ngày 30/11/2023, đã mở ra một giai đoạn mới cho việc gìn giữ và phát huy giá trị ATK Chợ Đồn, tạo điều kiện để xây dựng nơi đây thành điểm đến hấp dẫn của du lịch địa phương, khu vực cũng như toàn quốc.

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với tổng diện tích 135ha, thuộc địa bàn các xã: Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và các khu vực cảnh quan, di tích phụ cận có liên quan.

Mục tiêu Quy hoạch ghi rõ: Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn thông qua các cụm di tích, di tích hiện còn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Làm cơ sở cho việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, điểm tham quan, danh lam thắng cảnh của khu vực trở thành điểm hành hương về nguồn, nơi tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta; điểm tham quan văn hóa - lịch sử hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn và vùng Việt Bắc, gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực…

Theo Quy hoạch, các công trình di tích sẽ được tu bổ, phục hồi dựa trên căn cứ khoa học và tư liệu lịch sử; mang phong cách kiến trúc tương đồng về tính chất và thời kỳ, phù hợp truyền thống địa phương. Cùng với đó hệ thống đường giao thông tại khu vực sẽ được đầu tư hoàn thiện để kết nối, lấy tuyến đường Quốc lộ 3C đi qua khu vực làm trục giao thông chính, hình thành mạng lưới đường theo kiểu xương cá kết nối từ Quốc lộ 3C đến các điểm di tích thành phần và kết nối tổng thể di tích ATK Chợ Đồn với các điểm di tích, điểm du lịch khác phù hợp và kết hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Theo Quy hoạch sẽ có 5 nhóm dự án thành phần:

Nhóm dự án số 1: Nghiên cứu, sưu tầm bổ sung tài liệu, tư liệu, hiện vật và kiểm kê, lập hồ sơ khoa học (bổ sung) về di tích; bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể gắn với di tích; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (số hóa) về khu di tích.

Nhóm dự án số 2: Tổ chức khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc bảo vệ đất di tích; xây dựng biển, bảng giới thiệu, chỉ dẫn di tích; giải tỏa vi phạm và đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn.

Nhóm dự án số 3: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; phục chế bổ sung hiện vật trong di tích; xây dựng các công trình phục vụ phát huy giá trị di tích.

Nhóm dự án số 4: Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Nhóm dự án số 5: Nâng cao năng lực quản lý di tích gắn với phát triển du lịch.

Thời gian thực hiện Quy hoạch từ năm 2024 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể:

Giai đoạn 2024 - 2025: Triển khai các nhóm dự án số 1, số 2 và số 3.

Giai đoạn 2026 - 2030: Triển khai nhóm dự án số 4 và số 5.

Giai đoạn 2031 - 2035: Tiếp tục thực hiện và cơ bản hoàn thành các dự án thành phần đã triển khai.

Giai đoạn 2036 - 2050: Hoàn thành các dự án thành phần còn lại.

Khu di tích tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của khu vực, gồm: Nghiên cứu, tham quan di tích văn hóa - lịch sử, di chỉ khảo cổ; du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa bản địa và các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Phát triển sản phẩm du lịch do người dân địa phương tổ chức, quản lý theo hướng mỗi bản, mỗi điểm di tích một sản phẩm du lịch đặc trưng.

Với hệ thống các di tích lịch sử cách mạng đa dạng trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đây là lợi thế, tiềm năng để Chợ Đồn phát triển du lịch về nguồn, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm... Kỳ vọng trong thời gian tới, du lịch ATK Chợ Đồn sẽ có sự bứt phá, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch tỉnh Bắc Kạn cũng như vùng Chiến khu Việt Bắc và cả nước./.

Xem thêm