HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ:

8 Điều quy định các chuẩn mực ứng xử cụ thể của người thực hiện trợ giúp pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Khi thực hiện trợ giúp pháp lý người thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài việc phải tuân thủ pháp luật còn phải tuân thủ các chuẩn mực về hành vi, ứng xử theo Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ Tư pháp.

Báo Bắc Kạn tiếp tục đăng tải các nội dung hỏi đáp pháp luật về trợ giúp pháp lý nhà nước, theo nội dung do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Kạn cung cấp.

* Ngoài việc tuân thủ pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý còn phải tuân thủ các chuẩn mực về hành vi, ứng xử như thế nào?

Người thực hiện trợ giúp pháp lý có bổn phận bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, từ đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật.

Khi thực hiện trợ giúp pháp lý người thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài việc phải tuân thủ pháp luật còn phải tuân thủ các chuẩn mực về hành vi, ứng xử theo Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ Tư pháp.

Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý gồm 8 Điều quy định các chuẩn mực ứng xử cụ thể của người thực hiện trợ giúp pháp lý:

Điều 1. Trung thực, liêm chính, tôn trọng sự thật khách quan

Điều 2. Độc lập khi thực hiện trợ giúp pháp lý

Điều 3. Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý

Điều 4. Bảo mật thông tin trong trợ giúp pháp lý

Điều 5. Ứng xử với người được trợ giúp pháp lý

Điều 6. Ứng xử với đồng nghiệp

Điều 7. Ứng xử của trợ giúp viên pháp lý với người tập sự trợ giúp pháp lý

Điều 8. Ứng xử với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

* Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải ứng xử với người được trợ giúp pháp lý như thế nào?

Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải ứng xử với người được trợ giúp pháp lý theo những quy tắc tại Điều 5 Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ Tư pháp, cụ thể:

“Điều 5. Ứng xử với người được trợ giúp pháp lý

1. Tôn trọng, lịch sự, thân thiện, nhiệt tình với người được trợ giúp pháp lý, thể hiện phong cách chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng đối với người được trợ giúp pháp lý; sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn phù hợp với người được trợ giúp pháp lý.

2. Giải thích về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý để người được trợ giúp pháp lý biết và thực hiện.

3. Không được có thái độ hách dịch, có các hành vi coi thường người được trợ giúp pháp lý hoặc phân biệt đối xử với người được trợ giúp pháp lý.

4. Không được sách nhiễu, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người được trợ giúp pháp lý; hứa hẹn trước về kết quả giải quyết vụ việc, việc trợ giúp pháp lý.

5. Không được gợi ý, đòi hỏi, đặt điều kiện hoặc nhận bất kỳ lợi ích vật chất, lợi ích khác có liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý từ người được trợ giúp pháp lý hoặc người khác.

6. Không được xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý thực hiện những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

* Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải ứng xử với đồng nghiệp như thế nào?

Theo Điều 6 Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ Tư pháp thì người thực hiện trợ giúp pháp lý phải ứng xử với đồng nghiệp như sau:

“Điều 6. Ứng xử với đồng nghiệp

1. Tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, cùng nhau nâng cao uy tín, nghiệp vụ, tạo dựng sự tin cậy và tôn trọng của xã hội đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

2. Chân thành, đoàn kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Không được xúc phạm, hạ thấp danh dự, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây sức ép, đe dọa đồng nghiệp.

4. Không được thông đồng với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý nhằm gây bất lợi cho người được trợ giúp pháp lý hoặc để trục lợi cho mình hoặc cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác.

5. Không được cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý của đồng nghiệp; lợi dụng ảnh hưởng của mình để áp đặt, chi phối, gây sức ép, tác động trái pháp luật đến việc thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý của đồng nghiệp.”

* Ứng xử của trợ giúp viên pháp lý với người tập sự trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào?

Với người tập sự trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý phải ứng xử theo các quy tắc tại Điều 7 Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ Tư pháp, gồm có:

“Điều 7. Ứng xử của trợ giúp viên pháp lý với người tập sự trợ giúp pháp lý

1. Khi được phân công hướng dẫn tập sự, trợ giúp viên pháp lý có bổn phận tận tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp cho người tập sự trợ giúp pháp lý; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với người tập sự trợ giúp pháp lý.

2. Trợ giúp viên pháp lý không được phân biệt đối xử giữa những người tập sự trợ giúp pháp lý.

3. Trợ giúp viên pháp lý không được lợi dụng tư cách người hướng dẫn tập sự để buộc người tập sự trợ giúp pháp lý phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự.”

* Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải ứng xử như thế nào với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác?

Điều 8 Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ Tư pháp quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý phải ứng xử với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác như sau:

“Điều 8. Ứng xử với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác

1. Ứng xử đúng mực, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp tác, lịch sự, tôn trọng đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý.

2. Phối hợp kịp thời với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc, việc trợ giúp pháp lý.

3. Không được móc nối, lôi kéo, xúi giục người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người ở các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý làm trái quy định của pháp luật.

4. Không được tự mình hoặc xúi giục người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình biết rõ là không đúng sự thật liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý hoặc thực hiện các hành vi lừa dối, hành vi bất hợp pháp khác gây khó khăn, cản trở việc giải quyết vụ việc, việc trợ giúp pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.”

* Người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong những trường hợp nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:

- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý (trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định), cụ thể:

+ Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

+ Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

+ Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;

+ Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý và quy định của pháp luật về tố tụng;

+ Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;

+ Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

- Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật;

- Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.

* Trong trường hợp nào người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“Điều 25. Các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý

… 2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là các bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác đối với vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực dân sự;

b) Có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý;

c) Có lý do cho thấy không thể thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.”

(Còn nữa)

Xem thêm