Dân số và Phát triển

Truyền thông góp phần nâng cao chất lượng dân số

Thực hiện Kế hoạch công tác truyền thông về dân số - KHHGĐ trên địa bàn, công tác dân số - KHHGĐ tỉnh Bắc Kạn có bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

aaa
Đại biểu dự Hội nghị tuyên truyền về công tác dân số tại địa bàn có mức sinh cao tại huyện Na Rì.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch công tác truyền thông về dân số - KHHGĐ trên địa bàn, tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về công tác dân số - KHHGĐ, như: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về chính sách này được nâng lên. Quy mô gia đình ít con được nhiều người thực hiện và đồng tình; dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được quan tâm thực hiện; tuổi thọ trung bình ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay công tác dân số trên địa bàn tỉnh đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư, như: Tỷ lệ sinh con thứ 03 trở lên đều tăng qua các năm (năm 2015 chiếm tỷ lệ 6,2%; năm 2020 chiếm tỷ lệ 10,5%; năm 2021 chiếm 12,7% và 6 tháng đầu năm 2022 chiếm 12,5%). Chỉ số phát triển con người (HDI) chưa cao; tầm vóc, thể lực chậm cải thiện; tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản còn cao. Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ nạo phá thai còn cao, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên có xu hướng gia tăng. Tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao (năm 2021 là 112 bé trai/100 bé gái); chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng; tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh.

Ngoài ra, công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dân số - sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân vẫn còn một số hạn chế như: Truyền thông chưa thường xuyên, liên tục. Nội dung, hình thức truyền thông chưa phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù… Đây là những thách thức đặt ra cho chương trình dân số hiện nay và những năm tiếp theo.

 

Để từng bước nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong thời gian tới, tỉnh tập trung tuyên truyền để chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Việt Bắc

Xem thêm