Y tế và sức khỏe cộng đồng:

Tăng cường phòng, chống bệnh viêm gan vi rút

Viêm gan vi rút là bệnh thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Vi rút viêm gan có 5 loại gây bệnh chính gồm: Vi rút A, B, C, D, E. Viêm gan vi rút gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và có thể gây tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. 

aâ
Tiêm vắc xin phòng bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe.

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân, miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Trong 5 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất, là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu. Ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C.

Theo thống kê chuyên ngành ung thư của Tổ chức Y tế thế giới mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực có tỉ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới (10 – 20%). Trên thực tế, tỷ lệ mẹ lây nhiễm viêm gan B cho con là từ 5 – 10%, trong đó có tới 90% trẻ chuyển sang viêm gan B mạn tính. Con số tử vong liên quan đến vi rút viêm gan do xơ gan, ung thư gan, viêm gan vi rút cấp và mạn tính phối hợp với bệnh lao phổi, đái đường, tăng huyết áp, suy thận… đã gây ra cái chết cho hơn 10 vạn người mỗi năm.

Tại tỉnh Bắc Kạn, trong 5 năm qua, số ca mắc ung thư gan nguyên phát tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm dẫn đến tử vong vì xơ gan hoặc ung thư gan; chưa biết cách tự bảo vệ, cách tự chăm sóc và điều trị khi bị nhiễm bệnh.

Khuyến cáo về cách phòng tránh bệnh viêm gan vi rút, bác sĩ Nguyễn Thái Hồng- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Đầu tiên là cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ và sớm nhất có thể. Trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng viêm gan B càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Với thanh thiếu niên và người lớn, cần xét nghiệm máu xem đã bị nhiễm viêm gan B chưa. Nếu chưa bị mà cơ thể chưa có kháng thể thì cần tiêm phòng ngay để bảo vệ cho bản thân".

Ngoài ra, để phòng ngừa các bệnh viêm gan do vi rút, trước tiên cần kiểm soát đường lây nhiễm. Đối với bệnh viêm gan vi rút A và E: Nấu chín thức ăn và ăn khi còn nóng. Không ăn những thực phẩm còn sống, tái như gỏi cá sống, tiết canh... Uống nước đun sôi để nguội. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Rửa rau và trái cây bằng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy.

Đối với bệnh viêm gan vi rút B, C và D: Không dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm mình, môi, lông mày và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo... với người khác. Không để các vết thương bị hở tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.

Đối với người đã bị nhiễm vi rút viêm gan, việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp người bệnh tăng cường khả năng kiểm soát được bệnh. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế ăn muối, chất ngọt và chất béo, không hút thuốc lá, uống rượu bia và cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc vì một số thuốc có thể gây độc cho gan như thuốc an thần, thuốc giảm đau, chống viêm…

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh viêm gan vi rút năm 2022, cùng với những nỗ lực của ngành Y tế rất cần có sự quan tâm, hợp lực của toàn xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà tham gia phòng, chống bệnh viêm gan vi rút, góp phần bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, ổn định xã hội./.

Phương Thào (CDC)

Xem thêm