Dân số và phát triển

Giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên để nâng chất lượng sống

Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đạt được mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) và duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn thuộc nhóm có mức sinh cao và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng.

Truyền thông công tác dân số tại địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ ba cao trên địa bàn huyện Na Rì
Truyền thông công tác dân số tại địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ ba cao ở Na Rì.

Trước khi triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh Bắc Kạn đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số và đạt mức sinh thay thế từ năm 2009, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, từ năm 2015 tổng tỷ suất sinh lại tăng cao trở lại, cao hơn mức sinh thay thế và hiện đang là tỉnh có mức sinh cao. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh (TFR, đơn vị tính: con/phụ nữ) trung bình của tỉnh giai đoạn 2015 - 2019 là 2,31 con, cao hơn mức sinh thay thế và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đều có chiều hướng tăng qua các năm (năm 2015 là 303 trẻ, chiếm 6,2%; năm 2020 là 420 trẻ, chiếm tỷ lệ 10,5% và năm 2021 là 419 trẻ, chiếm 12,7%, 6 tháng đầu năm 2022 là 176 trẻ, chiếm 12,5%).

Qua số liệu thống kê, sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng và địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng rõ rệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tập trung cao tại các xã vùng cao là người dân tộc thiểu số. Cụ thể: Năm 2021, huyện Pác Nặm có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất tỉnh với 102 trẻ, chiếm 21,3%; huyện Chợ Đồn đứng thứ 2 có 91 trẻ, chiếm 21,7%; huyện Ba Bể có 72 trẻ, chiếm 17,2%.

6 tháng đầu năm 2022, tổng số trẻ sinh toàn tỉnh là 1.406 trẻ, trong đó số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên có 176 trẻ. Trong đó, các địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao là Pác Nặm (39 trẻ), Ngân Sơn (28 trẻ) và Na Rì (28 trẻ).

Qua phân tích của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, nguyên nhân dẫn đến sinh nhiều con là mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, chăm sóc khi về già, mang thai ngoài ý muốn (do chưa sử dụng biện pháp tránh thai); việc triển khai thực hiện công tác dân số - KHHGĐ tại một số địa phương trong tỉnh chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mức; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số tại các huyện, thành phố hạn chế (chủ yếu nguồn kinh phí của tỉnh); công tác tuyên truyền vận động hình thức triển khai chậm đổi mới hiệu quả chưa cao; mô hình tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở thường xuyên thay đổi...

Ông Lèng Hoàng Thái Huân- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Nhằm từng bước giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, đưa mức sinh của tỉnh về mức sinh thay thế, trong thời gian tới Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu thực hiện tốt Chương trình Điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt và phối hợp lồng ghép với các chương trình, đề án khác bảo đảm hiệu quả và chất lượng. Đa dạng hóa hình thức truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tại cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời phương tiện tránh thai miễn phí cho tất cả các đối tượng có nhu cầu.

Cùng với bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở cũng cần có sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đối với công tác dân số - KHHGĐ. Có như vậy, công tác dân số nói chung, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh nói riêng mới được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số./.

Việt Bắc

Xem thêm