Chủ động giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Dù trong nước chưa xuất hiện dịch đậu mùa khỉ, song nguy cơ dịch bệnh này có thể lây lan vào Việt Nam và địa bàn tỉnh bất kỳ lúc nào, do vậy, Sở Y tế Bắc Kạn đang tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Để thông tin rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Kạn đã phỏng vấn ông Vi Duy Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế.

Soi vi khuẩn lao, sốt rét, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Soi vi khuẩn lao, sốt rét, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phóng viên: Xin ông cho biết khái quát về bệnh đậu mùa khỉ?

Ông Vi Duy Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế: Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Công-gô. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 30/5/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại hơn 20 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Phóng viên: Tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai những giải pháp gì để phòng, chống dịch này trên địa bàn, thưa ông?

Ông Vi Duy Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế: Thực hiện chỉ đạo của Cục Y tế Dự phòng và UBND tỉnh về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa mắc và tử vong, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về đặc điểm, tình hình bệnh đậu mùa khỉ. Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các trạm y tế chủ động triển khai và tham mưu triển khai những biện pháp phòng chống tạm thời. Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt là những trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ. 

Phóng viên: Những khuyến cáo đối với người dân về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ?

Ông Vi Duy Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế: Người dân cần tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ và tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, hắt hơi. Người có triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục. Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Không ăn thịt hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã; không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.

Việt Bắc (thực hiện)

Xem thêm