Cảnh báo ngộ độc từ ăn nhầm cây lá ngón

Vụ ngộ độc lá ngón xảy ra cách đây gần 1 tháng làm 1 người tử vong và 4 người phải nhập viện cho thấy sự bất cẩn, thiếu hiểu biết khi sử dụng bừa bãi cây rừng làm thức ăn.

Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viên Đa khoa tỉnh) điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón vào ngày 19/3 vừa qua
Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón xảy ra vào tối ngày 18/3.

Những vụ việc đau lòng

Anh Dương Văn T trú tại xã Vi Hương (Bạch Thông) một trong những 4 nạn nhân ăn nhầm lá ngón xảy ra vào ngày 18/3/2022 tại thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ việc: "Hôm đó vào buổi chiều, trong nhóm người cùng làm đi hái rau rừng về làm thức ăn, món rau rừng được chế biến thái nhỏ trộn với măng rừng nên chả ai nghi ngờ gì, cứ thế mà ăn thôi. Đến khoảng 21 giờ đêm khi đi ngủ thì thấy biểu hiện trong người nôn nao, xây xẩm mặt mày, choáng váng, khó thở, đầu đau. Rất may là kịp liên hệ người hỗ trợ đưa đi cấp cứu". Theo anh T, trong bữa ăn hôm đó có 6 người, tuy nhiên có 1 người ăn ít nên không sao.

Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn cho biết: Tối 18/3, Trung tâm đã tiếp nhận 6 trường hợp có biểu hiện người mệt lả, trong đó có 01 người tử vong ngay khi đến viện, 1 người ổn định sau khi điều trị, các trường hợp nặng đơn vị đã tiến hành truyền dịch giải độc, cho thở ô xy, đồng thời chỉ định cho chuyển tuyến. Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã nhanh chóng tiếp nhận các trường hợp trên, diễn biến khi tiếp nhận là thở nhanh, thở nông, tím toàn thân, da xanh tái. Khoa đã xử lý các bước hỗ trợ đặt máy ống thở cho 2 trường hợp suy hô hấp nặng, rửa dạ dày. Sau 3 ngày điều trị, theo dõi, các bệnh nhân đã hồi phục, đủ điều kiện ra viện.

Theo bác sĩ Sằm Tư Thế- Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đây là vụ ngộ độc lá ngón tập thể trong 2 năm trở lại đây. Các trường hợp mà Khoa tiếp nhận đều là thanh niên khỏe mạnh, nếu không cấp cứu kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm.

Ở tỉnh ta, các trường hợp ngộ độc lá ngón tương tự đã từng xảy ra nhiều lần. Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cấp cứu cho 4 trường hợp ở xã Thượng Giáo (Ba Bể) bị ngộ độc lá ngón, trong đó có 3 người trong cùng một gia đình. Cả 4 trường hợp khi tiếp nhận đều trong tình trạng rất nặng, cơ thể bị suy hô hấp, 1 bệnh nhân ngưng tuần hoàn. Tuy nhiên do cấp cứu kịp thời nên các bệnh nhân đều qua cơn nguy kịch. Tiếp đó tháng 8/2021, Bệnh viện lại tiếp tục cấp cứu kịp thời 1 trường hợp ở thôn Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) cũng ngộ độc do ăn nhầm lá ngón.

Nhận biết cây lá ngón

Đại diện Bệnh viện Đa khoa cho biết, không chỉ có các trường hợp ngộ độc lá ngón, từ đầu năm 2021 đến ngày 13/4/2022, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 25 trường hợp ngộ độc thực phẩm, trong đó có cả các loại thực phẩm, cây rừng chưa thể xác định... mà người dân nhầm lẫn là có thể ăn được, uống được mang về sử dụng.

Thực tế trong tự nhiên tồn tại nhiều loại cây chứa hàm lượng độc tố lớn mà chúng ta không thể nhận biết, phân biệt. Khi độc tố đi vào cơ thể, làm suy hô hấp, gây tổn thương nặng các bộ phận, nếu không phát hiện và cấp cứu nhanh thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Lá ngón là giống cây thân bụi leo, có nhiều cành và sống leo dựa vào cây khác. Cây phát triển rất nhanh. Đặc điểm thân nhỏ, lá màu xanh, mặt lá nhãn bóng, đầu lá nhọn, thuôn dài. Hoa lá ngón có màu vàng tươi, thường nở rộ từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Cụm hoa mọc thành chùm ở nách lá và phần đầu cành, cây còn có quả hình thon, bên trong quả còn chứa khá nhiều hạt. Khi ăn phải lá ngón chỉ trong vòng vài phút có thể dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, tử vong sau 1-7 tiếng tùy ăn số lượng nhiều hay ít. 

Từ trước đến nay, các trường hợp ngộ độc lá ngón chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở khu vực miền núi, cây lá ngón mọc tự nhiên nhiều trên rừng, thậm chí mọc ngay ven đường đi lại, chúng phát triển thành bụi rất nhanh. Tìm hiểu được biết, lá ngón có hoa màu vàng, hoa nhỏ, hình dáng của cây khá giống với nhiều loại cây có trong tự nhiên nên nhiều người nhầm lẫn là rau rừng có thể ăn hoặc chữa bệnh. Lá ngón màu vàng có độc tố cao, chỉ cần một lượng nhỏ nhất định đi vào cơ thể là dẫn đến ngộ độc, tử vong.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân, nhất là bà con hay đi rừng, làm nương rẫy không nên tùy tiện lấy các loại cây lạ về sử dụng làm thức ăn hay ngâm rượu uống khi chúng ta không biết rõ về nó.
Cây lá ngón mọc thành bụi, hoa có màu vàng tươi
Cây lá ngón mọc thành bụi, hoa có màu vàng tươi.

Các vụ việc đáng tiếc vừa qua một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy hại tiềm ẩn từ các loại cây rừng. Vì vậy, ngành chức năng, các xã cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết và phân biệt các loại cây rừng có yếu tố độc tố, giúp hạn chế những đáng tiếc xảy ra do ăn nhầm lá ngón, nấm độc cũng như các cây lạ có trong tự nhiên./.

Thu Trang

Xem thêm