Y tế và sức khỏe cộng đồng

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Đó là chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (10/11-10/12/2021) được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước.

 Điều trị ARV cho người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông
 Điều trị ARV cho người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông.

Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động từ năm 2008. Từ đó đã trở thành sự kiện quan trọng hằng năm nhằm mục đích tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp, dịch Covid-19  đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội trên thế giới cũng như tại Việt Nam, bao gồm cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Theo báo cáo của các địa phương, dịch HIV/AIDS trong 9 tháng năm 2021 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2020 tại nhiều địa phương. Đường lây truyền HIV cũng có sự thay đổi, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Tại tỉnh Bắc Kạn, trong 9 tháng đầu năm, phát hiện 15 người nhiễm HIV mới. Tính đến 15/9/2021 toàn tỉnh có 2.032 người nhiễm HIV, hiện có 925 bệnh nhân HIV còn sống; duy trì hoạt động điều trị Methadone cho 686 bệnh nhân; điều trị ARV cho 630/925 bệnh nhân, đạt 68,1%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV khi mắc Covid-19 có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV. Do vậy, các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để tránh gia tăng các ca nhiễm HIV do gián đoạn dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong Covid-19.

Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế ngày 08/11/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 663/KH-UBND về tổ chức Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (10/11-10/12/2021). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tổ chức thực hiện đạt mục tiêu của Kế hoạch; triển khai các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19 như:

Xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo của diễn biến dịch Covid-19 để đảm bảo người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị. Người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị liên tục và an toàn bằng thuốc Methadone nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị phong tỏa, người bệnh bị cách ly do dịch Covid-19;

Vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch Covid-19;

Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, điểm cấp phát thuốc Methadone; cấp phát Methadone nhiều ngày (trong tình huống dịch Covid-19 cấp bách), điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã; vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, đảm bảo cho người nhiễm HIV tham gia BHYT liên tục, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Mặt khác, tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở khu vực vùng sâu, vùng  xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng như việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế; vận động các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng Hành động; tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của các địa phương, đơn vị trong tỉnh với phương châm “Phòng, chống HIV trong đại dịch Covid-19: Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.

Phương Thào

Xem thêm