Y tế và sức khỏe cộng đồng

Phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh

Viêm đường hô hấp ở trẻ em có thể gặp quanh năm nhất là lúc chuyển mùa, mùa mưa, gió lạnh. Do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đây là nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh vì gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập và sức khỏe của trẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhiễm khuẩn hô hấp được chia thành 2 nhóm bệnh là nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm VA, viêm amidan... và nhiễm khuẩn hô hấp dưới như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,... Ngoài ra, thời điểm này trẻ em còn gặp nhiều bệnh lý liên quan đến cơ chế miễn dịch dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản... Triệu chứng dễ nhận thấy khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp là ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm, ngạt mũi, khò khè, sốt. Tuy nhiên không phải trẻ nào bị nhiễm khuẩn hô hấp lúc nào cũng sốt, có những trẻ không sốt. Đa số trẻ bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ chỉ kéo dài vài ba ngày là tự khỏi mặc dù không dùng kháng sinh, vì hầu hết do vi rút gây ra. Cần lưu ý là khi trẻ bị viêm đường hô hấp, người nhà cần chăm sóc và theo dõi sát bệnh tình của trẻ. Bởi vì, bệnh có thể diễn biến phức tạp, từ thể nhẹ có thể trở nên nặng trong một khoảng thời gian ngắn.

Khi trẻ bị ho, sổ mũi, sốt hoặc có kèm theo biếng ăn, nôn trớ... cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt lưu ý đối với trẻ dưới 5 tuổi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau cần đưa tới cơ sở y tế khám ngay, không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà. Trẻ không thể uống được hoặc bỏ bú; nôn ra tất cả mọi thứ; co giật; li bì hoặc khó đánh thức; khó thở nhanh. Đối với trẻ sơ sinh dấu hiệu tím như biểu hiện tím ở quanh môi, đầu chi, nếu nặng tím toàn thân. Đặc biệt người chăm sóc trẻ cần lưu ý ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng khó thở biểu hiện không rõ ràng nên cần chú ý dấu hiệu cánh mũi phập phồng, đùn bọt cua, rối loạn nhịp thở.

Để phòng ngừa bệnh hô hấp ở trẻ trước hết phải bảo vệ sức khỏe bà mẹ từ khi có thai, khám thai ít nhất 3 lần để theo dõi, xử lý kịp thời các tai biến, giảm tỷ lệ đẻ non, đẻ thấp cân làm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là viêm phế quản phổi. Đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhất là khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, ở các nhà hộ sinh, nhà trẻ…thực hiện tốt chế độ vô khuẩn khi đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh. Đảm bảo trẻ được bú sữa mẹ càng sớm càng tốt và ăn dặm đúng cách. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đúng lịch. Hiện nay, có nhiều loại vắc xin để tiêm phòng các bệnh về đường hô hấp cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm vắc xin dịch vụ: Vắc xin PCV (phế cầu khuẩn): Synflorix phòng bệnh viêm phổi, viêm mũi họng, vắc xin cúm (IVACFLU – S)… các bậc phụ huynh có thể đến các cơ sở y tế hoặc các điểm tiêm vắc xin dịch vụ để tư vấn cụ thể và tiêm kịp thời cho các bé.

Cần giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Lưu ý các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ; không cho trẻ mút tay, mút đồ chơi vì đây là con đường lây bệnh rất phổ biến; vệ sinh nhà cửa, bàn ghế, đồ chơi, quần áo cho trẻ thật sạch sẽ; giữ môi trường thông thoáng, tránh ẩm thấp; tắm nước ấm cho trẻ, tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người thật nhanh và mặc quần áo cho trẻ. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng trẻ chơi. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống kháng sinh vì bệnh hô hấp lúc giao mùa chủ yếu khởi phát là do vi rút nên kháng sinh không có tác dụng. Lạm dụng kháng sinh có thể tác hại đến sức khỏe của trẻ do tác dụng phụ của thuốc, tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn cần đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài nếu có thể, giữ khoảng cách nơi đông người, thường xuyên rửa tay, sử dụng các dung dịch vệ sinh mũi họng để đường thở của trẻ luôn sạch sẽ, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ, bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ./.

Bs. Hoàng Thắm (CDC Bắc Kạn)

Xem thêm