Phòng, chống tác hại của rượu bia:

Tác hại không lường của rượu, bia

Nhiều cuộc vui khởi nguồn từ rượu, bia và điểm kết thúc là giường bệnh...  Sử dụng rượu, bia không xấu nhưng lạm dụng quá mức dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Rượu, bia là nguyên nhân gây nên nhiều căn bệnh hiểm nghèo
Rượu, bia là nguyên nhân gây nên nhiều căn bệnh hiểm nghèo.

Ông T.V.T, 60 tuổi ở xã Công Bằng (Pác Nặm) đang điều trị tại Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn gần một tháng nay vì liệt dây thần kinh số 7, méo miệng sau một lần uống rượu rồi bị cảm. Ông kể, không nhớ được mình bắt đầu uống rượu từ năm bao nhiêu tuổi nhưng đến nay hằng ngày ông luôn uống đủ 3 bữa rượu sáng, trưa, tối. "Bác sĩ cấm không cho uống rượu nhưng giờ miệng tôi hết méo, thấy bác sĩ bảo mai được ra viện, khỏe rồi thì về nhà tôi phải uống rượu chứ. Già rồi, cai thế nào được, thiếu rượu chân tay bủn rủn không làm được gì”, ông T. cho biết.

Cùng với đó, rượu, bia còn là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông. Sau mỗi cuộc vui, những "ma men” chính là tử thần, nỗi ám ảnh trên đường phố khi không chỉ gây tai nạn cho mình mà cho cả người khác. Quá nhiều hậu quả, số phận phía sau vô lăng, thế nhưng không phải người lái xe nào cũng nhận thức được điều ấy. Trên thực tế, ngoài trở thành nguyên nhân của không ít trường hợp bệnh tật, tai nạn giao thông, rượu, bia còn là "ngòi nổ” phá nát hạnh phúc nhiều gia đình. Sau mỗi cuộc "chén chú, chén anh" của chồng, nhiều chị em phụ nữ lại hứng chịu những lời chửi bới, trận mưa đòn thâm tím mặt mày. Rượu, bia có thể biến người hiền lành thành kẻ vũ phu, máu lạnh, giết người, mọi nghĩa tình cũng đều tan thành mây khói.

Trước thực trạng này, nhiều năm qua đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin tuyên truyền về tác hại của bia, rượu đối với sức khoẻ, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, các quy định, mức xử phạt, chế tài và các thông điệp dưới nhiều hình thức thể hiện để cảnh báo hậu quả của tai nạn giao thông. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực với nhiều quy định tiến bộ, nhân văn. Tuy nhiên, để những tác hại của rượu, bia thực sự được nhìn nhận, tệ lạm dụng rượu bia bị đẩy lùi thì không chỉ bằng điều luật, mức xử phạt nặng, mà phải từ ý thức của mỗi cá nhân. Có hàng nghìn lý do để nhậu thì cũng có hàng nghìn hậu quả do rượu, bia để lại. Vậy tại sao chúng ta không lấy đó làm lý do để hạn chế sử dụng rượu, bia. Đã đến lúc mỗi người phải tự ý thức rõ điều đó để bảo vệ bản thân, người thân và cộng đồng xã hội./.

KIM CÚC

Xem thêm