Phòng, chống tác hại của rượu bia:

Ngộ độc do sử dụng rượu có methanol

Hàm lượng methanol cao trong rượu sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường cho sức khỏe con người. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các sản phẩm rượu không đạt chất lượng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc từ rượu trắng là cao nhất (chiếm 42,9%), rượu ngâm cây “thuốc” là 36%, ngâm củ ấu tàu là 16%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) là 10,7%… Đây cũng là vấn đề đáng báo động liên quan đến các vụ ngộ độc do rượu, nhất là rượu có hàm lượng methanol cao.

Sản xuất, kinh doanh rượu đã hình thành một ngành công nghiệp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho nền kinh tế thì việc lạm dụng rượu bia, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia và những hệ lụy của nó đã và đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng như: Ngộ độc rượu, các tổn hại về sức khỏe, tâm thần, tính mạng người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông…

Rượu trắng có nhiều loại, phân chia theo nguồn gốc từ sản phẩm lên men rượu từ tinh bột (gạo, ngô, sắn…) được ủ men và chưng cất theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp, hoặc rượu được pha chế từ cồn thực phẩm. Việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại mà trong đó có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha chế không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, rượu được sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn methanol) đã và đang gây độc, ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội.

Theo các Chuyên gia, có hai loại ngộ độc rượu thường gặp:

Một là ngộ độc ethanol (còn gọi là rượu etylic – công thức hóa học là C2H5OH): Ethanol có tác hại làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức và khó thở nông. Ethanol có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống:

Ngộ độc cấp tính: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người uống thấy sảng khoái, nói nhiều, vận động phối hợp bị rối loạn…); giai đoạn ức chế biểu hiện giảm phản xạ gân xương, tri giác, mất khả năng tập trung và giãn mạch ngoại vi.

Ngộ độc mạn tính: Uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da xanh tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần…

Hai là ngộ độc methanol (cồn methylic – công thức hóa học CH3OH): Methylic được sử dụng trong công nghiệp hóa chất cũng như trong các hoạt động của đời sống. Cồn methylic có thể gây ngộ độc do uống nhầm hoặc pha chế rượu uống từ cồn công nghiệp. Cồn methylic rất độc vì thải trừ chậm, bị oxy hóa chuyển thành formol (formaldehyd) và axít formic. Methylic là một trong những chất độc cực mạnh, chỉ cần uống phải từ 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên có thể gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong.

Biểu hiện của ngộ độc rượu có methanol: Sau khi uống khoảng 30 phút hoặc lâu hơn có các biểu hiện giống với ngộ độc rượu thường (ethanol), chính vì vậy các nạn nhân thường được đưa đến viện muộn, do bỏ qua các biểu hiện như “say rượu” bình thường; Sau khoảng thời gian đó đến khoảng 48 giờ sau uống: Cơ thể sẽ bị kích thích, rối loạn ý thức, hôn mê, nôn, thở chậm yếu, ứ đọng đờm dãi, suy hô hấp, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, hạ đường máu…

Giai đoạn tiếp sau đó là biểu hiện của thần kinh: Nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm…; nặng hơn ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật, mắt nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, có thể mất thị lực hoàn toàn… Khi có biểu hiện đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, giãn cố định có thể ngộ độc đã rất nặng và tiên lượng xấu. Nếu sử dụng nhiều rượu có hàm lượng methanol cao có thể tử vong, hoặc nếu có điều trị tích cực, đúng phác đồ cũng có thể gây di chứng về sau: Nhìn mờ hoặc mất thị lực hoàn toàn, suy thận, suy gan, tổn thương não gây rối loạn tâm thần, thần kinh, sức khỏe giảm sút…

Thực tế cho thấy, việc người dân tự ý sử dụng các sản phẩm rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ trước đến nay vẫn thường xuyên xảy ra, việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu không đảm bảo an toàn còn phổ biến... Để hạn chế tình trạng nói trên, tránh các trường hợp ngộ độc đáng tiếc, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo khi lựa chọn các sản phẩm rượu, người tiêu dùng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên, vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị... Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm rượu và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời hoàn thiện các văn bản quy định để quản lý tận gốc đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu do người dân tự nấu, tự chế biến theo hướng thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền các cấp trong tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.

Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tuy nhiên việc quản lý rượu thủ công hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Vì thế bên cạnh công tác thanh, kiểm tra và tăng chế tài xử phạt, cần hướng dẫn người dân về quy trình công nghệ tốt và phù hợp để sản xuất rượu, chủ động sản xuất thiết bị dụng cụ dùng nấu rượu để có thể giảm hàm lượng methanol xuống dưới mức cho phép. Mặt khác, yêu cầu 100% cơ sở cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phấn đấu 100% cơ sở đều được kiểm tra./.

Phương Thào (CDC Bắc Kạn)

Xem thêm