Phòng, chống tác hại của rượu bia

Cảnh báo ngộ độc rượu ngâm rễ cây

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra không ít các vụ ngộ độc rượu ngâm với rễ, củ của nhiều loại cây rừng. Tình trạng người dân địa phương ngâm rượu với nhiều loại rễ, củ cây rừng đang diễn ra phổ biến và đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

AÂ
Điều trị ngộ độc rượu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Tại nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, gia đình nào cũng có vài ba bình rượu ngâm với rễ, củ cây rừng. Khi được hỏi rượu mua ở đâu, có nguồn gốc xuất xứ không thì họ chỉ biết là rượu nấu thủ công, chất lượng ra sao không biết, thậm chí rượu ngâm với rễ và gốc cây gì cũng không biết, chỉ nghe nói hoặc theo kinh nghiệm dân gian lên rừng tìm, hoặc mua về ngâm rượu uống.

Tình trạng sử dụng các loại rễ cây, củ cây rừng để ngâm rượu diễn ra khá phổ biến. Nếu không biết cách sử dụng ngâm rượu với rễ, củ cây rừng mà không biết rõ công dụng sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp sử dụng rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp ngoài da phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và người già để tránh nhầm lẫn khi sử dụng. Thực tế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vụ ngộ độc củ ấu tẩu, uống rượu ngâm rễ, củ cây rừng dẫn đến chết người. Các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, cần có giải pháp xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trong y học cổ truyền, củ ấu tẩu nói riêng, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nhiều loại rễ, củ cây rừng chứa độc tính cao, có thể dẫn đến chết người. Khi có biểu hiện ngộ độc củ ấu tẩu, ngộ độc rượu ngâm với rễ và củ cây rừng, cần nhanh chóng gây nôn cho bệnh nhân, sau đó khẩn trương đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị, người bệnh có thể nhanh chóng bị suy hô hấp, loạn nhịp tim dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia y tế cho biết, đối với rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố, đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Với rượu ngâm động vật phải có độ cồn từ 45 đến 55 độ. Còn rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, khoảng 40-50 độ. Tuyệt đối không dùng rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc để ngâm.

Việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có sự chỉ định của các bác sĩ Đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong./.

Kim Cúc

Xem thêm