KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10/1930-15/10/2022)

Phát huy truyền thống công tác dân vận của Đảng

Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận", Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và ngày 15/10 hằng năm là Ngày Dân vận của cả nước.

Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đoàn công tác tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Vi Hương (Bạch Thông). Ảnh: Nông Vui
Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đoàn công tác tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Vi Hương (Bạch Thông). Ảnh: Nông Vui

Trải qua chặng đường lịch sử 92 năm, công tác dân vận của Đảng qua các thời kỳ, giai đoạn cách mạng đã để lại những dấu ấn lịch sử và những bài học có giá trị thực tiễn sâu sắc trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, quê hương.

Thời gian qua, công tác dân vận luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và sự ủng hộ của Nhân dân toàn tỉnh. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ công tác dân vận như: Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 08/02/2022 về nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; chỉ đạo các cấp ủy triển khai Quy chế số 22-QC/TU ngày 30/12/2021 về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bắc Kạn; Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 20/6/2022 về đẩy mạnh công tác đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới...

Bằng những định hướng lãnh đạo đúng đắn, phương châm thiết thực, cụ thể, sâu sát, toàn diện đã góp phần củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác dân vận của chính quyền các cấp trong tỉnh được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực. HĐND các cấp quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giám sát, tiếp xúc cử tri. UBND các cấp chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; tập trung cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử; chủ động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang của tỉnh tích cực tham gia các hoạt động dân vận, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh, chính sách hậu phương quân đội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được đẩy mạnh. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng tiếp tục được đổi mới theo hướng sát cơ sở; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, định hướng, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và Quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào “Dân vận khéo”; hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị; thường xuyên nắm tình hình Nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy (tổ chức được hơn 50 chuyến công tác kiểm tra, nắm tình hình cơ sở).

Tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về các chương trình mục tiêu quốc gia cho khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội (117 điểm cầu với hơn 9.000 đại biểu); tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ công tác dân vận cho 109 cán bộ phụ trách công tác dân vận của các sở, ban, ngành, địa phương; tổ chức 03 hội nghị tuyên truyền về công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại các xã Nam Cường, Xuân Lạc (Chợ Đồn) với 250 đại biểu tham dự; tổ chức 02 hội nghị hướng dẫn về xây dựng hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ và phong trào “Dân vận khéo”. Tổ chức gặp mặt điển hình “Dân vận khéo”, “Đơn vị dân vận tốt” tại huyện Ba Bể với hơn 120 đại biểu tham dự.

Hoạt động của Ban Dân vận cấp huyện, khối dân vận cơ sở có nhiều đổi mới, bám sát chương trình công tác của cấp ủy; tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức thực hiện những việc mới, việc khó; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công tác dân vận; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp tham mưu giải quyết có hiệu quả các vấn đề tôn giáo, dân tộc, đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng quy định của pháp luật...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thăm nắm tình hình của một số đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở một số thôn, bản còn hạn chế. Hoạt động khối dân vận cơ sở có nơi còn mang tính hình thức, chưa có sự gắn kết. Cải cách hành chính có nhiều đổi mới, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân. Quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn gặp khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới, cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống dân vận của tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của toàn hệ thống chính trị về công tác dân vận; triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW, Quy chế số 22-QC/TU, văn bản chỉ đạo của tỉnh và các cấp về công tác dân vận.

Hai là, nâng cao hiệu quả thực chất công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp. Tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ba là, hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác dân vận. Đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân...

Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng là dịp để các cấp, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận nói riêng nhận thức sâu sắc hơn những quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của tỉnh tiếp tục đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cùng với ý chí và quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn phát triển mới hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.

Ma Từ Đông Điền

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Xem thêm