Nguyên nhân vụ cháu bé bị xích, giữ trong căn hầm sau nhà

Cuối tháng 9, nhận được thông tin có cháu bé ở thôn Lủng Tráng, xã Hà Hiệu (Ba Bể) bị xích, giữ trong căn hầm xây bằng gạch sau nhà, phóng viên Báo Bắc Kạn đã trực tiếp đến tìm hiểu xác minh sự việc.

Hằng ngày ông bà nội cháu Lý Hồng Ng phải đi lên nương rẫy lao động kiếm sống, trưa hoặc tối về cơm nước phục vụ cháu nội bị khuyết tật, bố mất, mẹ bỏ rơi.
Hằng ngày ông bà nội cháu Lý Hồng Ng phải đi lên nương rẫy lao động kiếm sống, trưa hoặc tối về cơm nước phục vụ cháu nội bị khuyết tật, bố mất, mẹ bỏ rơi.

Cháu bé đó tên là Lý Hồng Ng, sinh năm 2007, dân tộc Dao, đang sống cùng với ông bà nội tại thôn Lủng Tráng, xã Hà Hiệu (Ba Bể). Theo một số người dân ở đây, cháu Lý Hồng Ng có hoàn cảnh đặc biệt, bố mất cách đây 04 năm, mẹ bỏ đi khi Ng. còn nhỏ. Ng sinh ra đã không may mắn, trí tuệ chậm phát triển, không thể đi học được, hiện đang hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật.

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Phụ Chàn và bà Lý Mùi Lưu (ông bà nội của cháu Ng.) xác nhận: “Việc gia đình xích, giữ cháu trong hầm xây bằng gạch đằng sau nhà là có thật; khi được các cấp chính quyền giải thích, nhắc nhở gia đình tôi đã thả cháu ra. Ông Chàn giãi bày: Việc gia đình xích, giữ cháu là điều bất đắc dĩ, bởi cháu quá nghịch ngợm, quậy phá trong khi ông bà đã cao tuổi, hằng ngày phải lên nương rẫy lao động kiếm sống, không thể ở nhà mãi để trông coi cháu. Thậm chí có ở nhà cũng không thể trông giữ cả ngày. Nếu được thả tự do, Ng. chạy khắp nơi, thường xuyên sang các nhà khác phá phách. Có lần Ng. mở chai xăng rồi đem đổ khắp nhà, may người lớn nhìn thấy và ngăn chặn được kịp thời.

Căn hầm nơi ông bà nội cháu Lý Hồng Ng xây mục đích giữ cháu mỗi khi đi làm vắng nhà để cháu khỏi chạy ra ngoài, đến bữa ăn hoặc buổi tối lại cho vào nhà.
Căn hầm nơi ông bà nội cháu Lý Hồng Ng xây với mục đích giữ cháu mỗi khi đi làm vắng nhà để cháu khỏi chạy ra ngoài, đến bữa ăn hoặc buổi tối lại cho vào nhà.

Lý giải việc xích cháu Ng, ông Chàn cho biết thêm: "Trước đây vợ chồng tôi để cháu ở trong nhà, nhưng mỗi khi đi làm về là nhà cửa tanh bành, cháu đi vệ sinh lung tung, phá cửa chạy khắp nơi lại phải đi tìm; có lúc đi xuống ao tắm rất nguy hiểm. Gia đình tôi quyết định xây một hầm nhỏ bằng gạch ngay sau nhà rộng chừng 3m2, có mái che để giữ cháu hằng ngày mỗi khi đi làm, buổi trưa và tối khi đi làm về lại cho cháu vào nhà ăn uống, ngủ. Mặc dù ở bên trong hầm, cháu vẫn tìm mọi cách phá cửa sắt chui ra, nên gia đình không có cách nào khác, đành phải dùng xích khoá tay cháu mục đích để cháu không chạy ra ngoài. Gia đình tôi mong muốn được đưa cháu vào cơ sở bảo trợ của Nhà nước để nuôi dưỡng, điều trị bệnh, bởi hoàn cảnh gia đình tôi không thể trông coi, chăm sóc cháu”.

Ông Lý Phụ Chàn, ông nội cháu Lý Hồng Ng giãi bày những khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc đứa cháu khuyết tật.

Quan sát thực tế của phóng viên tại nhà ông bà nội cháu Lý Hồng Ng thấy rằng, dù đã 15 tuổi nhưng thân hình Ng. nhỏ bé như 8-9 tuổi. Ng có thể giao tiếp với người khác tuy giọng nói khó khăn. Cậu bé này có những biểu hiện của trẻ bị tăng động như luôn chạy nhảy, không thể ngồi yên, chui rúc, luồn lách khắp mọi chỗ trong nhà, không chịu hợp tác, không nghe lời người lớn.

Ông Hoàng Văn Hữu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Bể cho biết: “Cháu Lý Hồng Ng là đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật dạng câm điếc, mức trợ cấp 720.000 đồng/tháng. Nhận được thông tin cháu bị xích, giữ, Phòng đã cử cán bộ trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi động viên, đồng thời hướng dẫn UBND xã Hà Hiệu kiểm tra lại hồ sơ khuyết tật của cháu, đề nghị cấp có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn đưa cháu đi giám định lại tình trạng bệnh để xác định lại dạng khuyết tật. Đối với đề nghị của gia đình muốn đưa cháu vào cơ sở bảo trợ của Nhà nước để được chăm sóc nuôi dưỡng, hiện nay cơ quan chuyên môn của huyện đang tiến hành xem xét cụ thể các quy định. Tuy nhiên rất khó để đưa cháu vào cơ sở bảo trợ xã hội, bởi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội phải mồ côi cả cha lẫn mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật”. Với trường hợp của cháu Lý Hồng Ng, mặc dù bố mất, mẹ bỏ rơi, không quan tâm chăm sóc nhưng không phải mất tích nên không thuộc đối tượng được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Cũng theo ông Hữu, việc gia đình áp dụng biện pháp trông coi trẻ bằng xích giữ một chỗ như vậy là không đúng, vi phạm các quy định pháp luật cũng như quyền trẻ em. Các cơ quan chức năng và chính quyền xã đã tuyên truyền, giải thích, nhắc nhở gia đình không áp dụng biện pháp này vì bất cứ lí do nào. Hiện nay cháu bé đã được thả, tuy nhiên điều kiện hoàn cảnh gia đình người nuôi dưỡng đang rất khó khăn, cần có sự cảm thông, động viên, giúp đỡ của cả cộng đồng. 

Việc chăm sóc người khuyết tất, đặc biệt là trẻ khuyết tật thực sự rất vất vả. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ những áp lực của các gia đình có người khuyết tật. Mong rằng, tới đây, cùng với tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao nhận thức và tuân thủ các quy định về quyền và trách nhiệm đối với trẻ em, các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp thiết thực để hỗ trợ, chia sẻ bớt gánh nặng cho các gia đình có người khuyết tật./.

Phương Thảo

Xem thêm