Chào mừng Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP

Phát huy vai trò của ban đại diện HĐQT các cấp trong thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh

Kết quả đạt được trong 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là mô hình đặc thù, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Hoạt động Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh được chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Trưởng ban đại diện tỉnh, huyện là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND, các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và 04 tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, từ năm 2015 bổ sung chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên ban đại diện HĐQT cấp huyện có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, hoàn thiện mô hình quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách.

Thực tế cho thấy, chủ tịch UBND cấp xã đã chỉ đạo quyết liệt ban giảm nghèo, trưởng thôn và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, quản lý tốt hơn nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn giảm, những tổ TK&VV hoạt động yếu kém đã kịp thời được củng cố; các chủ trương, chính sách mới được triển khai kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Tính đến 31/7/2022, toàn tỉnh có nợ quá hạn là 3,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,14% (giảm về số tuyệt đối là 1,1 tỷ đồng và giảm về số tương đối là 0,21% so với 31/3/2015).

Trong quá trình hoạt động, Ban đại diện HĐQT NHCSXH luôn bám sát nghị quyết và chương trình, kế hoạch của HĐQT, NHCSXH Trung ương, của cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo triển khai tốt các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi tạo điều kiện cho NHCSXH phát triển ổn định. Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo hoạt động của NHCSXH trong việc xây dựng và triển khai tốt kế hoạch tín dụng hằng năm.

Đồng thời, duy trì chế độ họp định kỳ hằng quý để đánh giá kết quả hoạt động quý trước, triển khai nhiệm vụ quý tiếp theo; phân công các thành viên Ban đại diện HĐQT kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách… Có thể nói, mô hình Ban đại diện HĐQT NHCSXH đã thực sự phát huy được sức mạnh, hiệu quả, nhất là từ khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trở thành mô hình đặc thù riêng có của hệ thống NHCSXH.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cũng gặp một số khó khăn, như: Thiếu cơ chế chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của các cấp, ngành trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách trên từng địa bàn, đặc biệt là địa bàn cấp xã. Những năm đầu mới đi vào hoạt động một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ngoài ra, các thành viên Ban đại diện HĐQT đều làm công tác kiêm nhiệm, do vậy chưa dành nhiều thời gian kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở…

Từ kết quả đã đạt được, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội và vai trò của ban đại diện HĐQT trong quản lý nguồn vốn này, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là ban đại diện HĐQT cần:

Thứ nhất, bám sát Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của NHCSXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các văn bản hướng dẫn của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo kiện toàn kịp thời khi có sự thay đổi về nhân sự thành viên ban đại diện HĐQT các cấp.

Thứ hai, tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của tỉnh trong từng giai đoạn; phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đảm bảo thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng hằng năm đạt từ 6-8%; nguồn vốn ngân sách địa phương phấn đấu đến năm 2030 chiếm tỷ trọng từ 8% trở lên trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,2%/tổng dư nợ; trên 60% số xã không có nợ quá hạn; tổ TK&VV xếp loại hoạt động tốt, khá đạt trên 99% và không có tổ TK&VV hoạt động yếu kém.

Thứ ba, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát của NHCSXH, của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và ban đại diện HĐQT các cấp, đảm bảo chất lượng, tránh hình thức. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, vai trò giám sát của toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh những sai sót trong quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội./.

Xem thêm