Bắc Kạn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn- Bài 3

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, kết cấu hạ tầng nông thôn về y tế, giáo dục, giao thông, viễn thông…ở Bắc Kạn đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều khó khăn, triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, Bắc Kạn tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm thúc đẩy KT- XH phát triển.    

Theo đó, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đổi mới cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trạm Y tế xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông vừa được xây dựng mới
Trạm Y tế xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông vừa được xây dựng mới

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2008 - 2022, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, viễn thông, nước sinh hoạt nông thôn … tương đối hoàn chỉnh. Cụ thể, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn, toàn tỉnh đã huy động được 16.692 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn doanh nghiệp, người dân và cộng đồng đóng góp.


Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 21 xã/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 97% (tăng 28,36% so với năm 2008); tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện đạt hơn 97%. 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, với quy mô đạt từ giao thông nông thôn loại B trở lên.


Hệ thống y tế được đầu tư hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Trong đó, đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 8/8 bệnh viện huyện, thành phố và các trạm y tế xã. Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục từng bước được sắp xếp tinh gọn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh…

Tuy nhiên, là tỉnh miền núi địa hình bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, sông suối, nhiều địa phương nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, trong giai đoạn tới, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh Bắc Kạn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trước mục tiêu đó, tỉnh ta chủ trương phát huy nhân tố con người, khơi dậy mọi tiềm năng lợi thế để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Vận dụng linh hoạt các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với đó huy động sức dân, sự đóng góp của cộng đồng các nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm… để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Theo đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị. Đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá kết cấu hạ tầng chuyển đổi số, văn hoá, giáo dục, y tế; cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải…

Đổi mới cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Hướng chủ thể vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển rừng đặc dụng để xây cầu ở xã Côn Minh, huyện Na Rì
Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển rừng đặc dụng để xây cầu ở xã Côn Minh, huyện Na Rì

Cùng với những giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bắc Kạn chú trọng hoàn thiện thể chế chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn khi Trung ương có định hướng, đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng.

Phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cung cấp tín dụng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử, logistics, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản đến người tiêu dùng, phát triển mô hình “Chợ nông sản 4.0”, “Sàn giao dịch thương mại điện tử”, sàn giao dịch sản phẩm OCOP…

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn để tập trung xây dựng và phát triển “tam nông” trong giai đoạn mới./. (Hết).

Phan Quý

Xem thêm